Ankara bắt giữ hơn 2.000 đối tượng liên quan tới đảo chính bất thành

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hơn 2.000 đối tượng trong tuần qua vì bị tình nghi có liên kết với các nhóm chiến binh trong vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016.

Chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã mở rộng chiến dịch đàn áp những đối tượng ủng hộ âm mưu đảo chính hồi tháng 7/2016. Trong một tuyên bố gần đây, đại diện Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã tiến hành bắt giữ và chuẩn bị thẩm vấn 2.063 đối tượng bị tình nghi liên quan tới vụ đảo chính hồi năm 2016.

 Chính quyền Tổng thống Erdogan tiếp tục bắt giữ đối tượng liên quan tới vụ đảo chính bất thành.

Trong số những đối tượng bị bắt có tổng cộng 999 người bị nghi có liên kết với lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Còn lại 70 người bị bắt giữ vì có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính quyền Ankara thường xuyên đối mặt với mối đe dọa an ninh, bao gồm cả PKK và IS trong suốt một thời gian dài.

Bên cạnh đó, có 966 người bị bắt giữ vì có liên quan tới giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sống lưu vong tại Mỹ – người bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính hồi tháng 7/2016. Đại diện Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, có 24 tay súng đã bị “vô hiệu hóa” trong các hoạt động bắt giữ tuần qua. Sau vụ đảo chính hồi tháng 7/2016, có hơn 40.000 người bị bắt giữ hoặc sa thải, và có hơn 100.000 người bị đình chỉ công tác chủ yếu trong lực lượng quân đội, dân sự và khu vực tư nhân.

Trong diễn biến liên quan, quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chìm sâu vào căng thẳng, do vào ngày 18/3, tạp chí Đức Der Spiegel đăng cuộc phỏng vấn với cơ quan tình báo nước ngoài (BND) của Đức, cho rằng, Berlin không tin giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái. “Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục chúng ta ở mọi cấp độ song đến nay chưa thành công”, tạp chí Der Spiegel dẫn lời đại diện BND Bruno Kahl.

Đáp lại, phát ngôn viên Ibrahim Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói, tuyên bố của ông Kahl là bằng chứng cho thấy Đức ủng hộ mạng lưới của Gulen, bị Ankara coi là “Tổ chức Khủng bố Gulen” hay còn gọi là “FETO”. “Đó là một nỗ lực vô hiệu hóa tất cả thông tin chúng tôi đã gửi cho họ về FETO. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ ủng hộ FETO”, ông Kalin nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần