Ảo ảnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồi này nàng hay thức giấc giữa đêm rồi không ngủ lại được nữa. Nàng có đi khám bác sĩ. Bà bác sĩ giương cặp kính cận, nheo bộ mặt cáu kỉnh hỏi nàng, triệu chứng ấy xuất hiện từ khi nào.

 Nàng nói là từ hôm mơ thấy anh ngồi gục mặt trên một chiếc cầu thang công cộng nào đó, nàng không nhớ kỹ. Bà bác sĩ nhếch mép cười, kê loằng ngoằng toàn thuốc an thần. Bỗng nhiên, nàng thấy hối hận khi bước vào đây, thấy tiếc sự thành thật của mình trước cái áo blu trắng. Bước ra khỏi phòng khám, nàng vò nát đơn thuốc vứt ngay vào thùng rác trước cửa. Giờ thì nàng cảm thấy rõ ràng mọi thứ đang tệ hơn rất nhiều, đôi chân như muốn quỵ xuống. Một nỗi mất mát mơ hồ nhấn chìm mọi suy nghĩ trong nàng. Nàng ước gì trước mặt là bãi cỏ, nàng muốn nằm xuống lúc này. Nếu mà còn bước đi, nàng biết mình sẽ dõi mắt tìm một chiếc cầu thang trong trí nhớ - nơi mà nàng gặp anh ngồi gục mặt trong một giấc mơ.

Cái kết cho một cuộc tình suy cho cùng cũng chỉ quẩn quanh trong vài gạch đầu dòng. Nào thì không hợp nhau, nào thì ngoại tình, nào thì gia đình cấm cản hoặc chẳng có tương lai. Cũng có khi một trong hai nhân vật chính nếu được ai đó hỏi thì tỉnh bơ bảo “ờ thì chán nhau chứ sao”. Mấy năm liền, ngày nào cũng ngó thấy mặt nhau, quen đến từng cái khịt mũi, nhận ra nhau bằng tiếng đằng hắng tít ngoài đầu ngõ. Rồi thấy cái lúm đồng tiền nhìn mãi không còn thấy duyên, cô ấy chắc cũng chán ngấy mùi tất chân và cái thói ngủ ngáy của tôi. Ôi, làm sao mà kể hết được những thứ chán nhau". Nhưng cuộc tình của nàng thì không thuộc mấy gạch đầu dòng ấy. Tự nhiên cứ xa nhau dần, chẳng ai cấm cản, cũng chẳng có kẻ thứ ba, mà hình như cũng không thuộc phạm trù "chán nhau" như thiên hạ. Người ta có hỏi, nàng không biết phải tóm tắt thế nào nên đành im lặng, càng được thể cho người dưng thêu dệt chuyện của nàng với rất nhiều giả thiết. Vậy mà người trong cuộc như nàng chẳng cam tâm nghĩ đến bất cứ giả thiết nào.
Minh họa Hoài Văn
Minh họa Hoài Văn
Xa nhau gần ba năm, nàng cũng thôi giật mình mỗi khi cái cổng sắt cũ nát của xóm trọ kêu cót két. Thôi thao thức chờ một cuộc gọi hoặc tiếng gõ cửa trong ngày Chủ nhật. Lúc quệt xe ngoài đường, nghe thiên hạ chửi cũng không còn thấy tủi thân. Trong nhà giờ đã thêm vài cái tô vít, cuộn băng keo để tiện tháo chữa mấy đồ điện gia dụng lặt vặt. Mấy việc đó trước kia đã có anh lo, có khi cái quạt do cắm lỏng dây nên ấn nút hoài không thấy chạy, nàng cũng bấm máy chu chéo gọi anh. Giờ không còn người để than, cái trần nhà bục, chủ nhà không chịu sửa sang, nàng cũng tự bắc ghế lụi cụi cả chiều.

Nàng làm trong một văn phòng đại diện của tòa báo, công việc không có nhiều, nên phòng chỉ có hai người. Một người lo việc phát hành, phơi mặt ra đường từ sáng sớm, thành ra chỉ có mình nàng ngồi tiếp nhận thư từ, bài vở cộng tác. Thỉnh thoảng nàng thảng thốt tự hỏi "ơ sao cả ngày dài không thấy mình đụng đến ngôn từ?" Rồi nhiều ngày gộp lại thành tháng, thành năm, miết rồi có khi thành bệnh. Giả dụ lại đến gặp bà bác sĩ hôm nọ, nếu bà ta hỏi triệu chứng "không muốn mở mồm ấy" bắt đầu từ khi nào? Không lẽ nàng lại bảo từ cái hôm gặp anh lần cuối cùng, hai đứa ngồi mặt đối mặt cả giờ mà không biết nói gì, ngay cả một tiếng tạm biệt cũng không. Lẽ nào lại vẫn dùng đơn thuốc an thần?
*

*      *
Nàng hay giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Lúc mở mắt ra vẫn còn nguyên cái cảm giác mình đang đứng lơ ngơ giữa chợ. Đúng chỗ ấy, lúc nàng cúi xuống trả năm chục ngàn tiền chôm chôm vừa ngẩng lên thì bắt gặp cái dáng người gầy nhỏng của anh. Trong giấc mơ, nàng không nhìn thấy mặt anh, nhưng rõ ràng là chiếc áo kẻ đã bạc nàng mua tặng anh hồi sinh nhật năm nào. Cả cái gáy ấy nữa, không có gì đặc biệt khác người nhưng có trộn với cả trăm cái gáy khác, nàng cũng không nhầm được. Rồi có hôm nàng mơ thấy mình đang vội vã chạy tìm một vật gì đó thì va phải anh ngồi gục mặt ở cầu thang. Anh từ từ ngước lên nhìn nàng bảo "anh buồn lắm". Nàng đã khóc từ trong giấc mơ cho đến lúc bừng tỉnh về thực tại. Nàng với chiếc điện thoại vào facebook như một điều thúc giục, gặp ngay dòng cập nhật trạng thái của anh vừa mới viết lên. Những câu chữ tuyệt vọng va vào trái tim nàng, có một thứ gì đó đã vỡ. Nàng quờ quạng xung quanh, nhưng chỉ thấy ảo ảnh của anh ngồi ở đầu giường nhìn nàng chải tóc vào một chiều nào đó trong những năm tháng thương yêu. Rồi mọi thứ rõ nét hơn, cảm tưởng như nàng có thể chạm vào dáng anh nằm co quắp đang kìm tiếng ho trong đêm tối lúc nằm gần nàng. Tất cả như vẫn còn đây, hơi ấm còn đây. Bây giờ anh đang ở nơi đâu, sao còn thao thức đến giờ này hay là anh cũng vừa bước ra từ một cơn mơ nào đó như nàng? Nàng rất muốn hỏi anh rằng vì sao lại chia tay? Vì sao chỉ có giấc mơ mới mang anh đến?

Nàng đã tập thử yêu một ai đó khác. Giả thiết sống một cuộc sống khác. Nàng nhận lời hẹn hò với V. Ngồi quán vắng, gọi đến ly nước cam thứ hai mà càng uống càng đắng họng khi nhớ anh từng mua cam cho nàng vào những ngày ốm đau xác xơ giữa phố xá này. Nàng đã lạc V trong siêu thị khi dừng lại chỗ anh từng ngủ đứng lúc chờ nàng mải miết chọn màu son. V tìm toát mồ hôi, lôi nàng đi như lôi con nít hỏi sao đứng lơ ngơ ở đó? Nàng không biết trả lời sao, như thể cuộc sống ngừng lại trong nửa tiếng ấy, như một tia flash lưu giữ khoảnh khắc. Khoảnh khắc nàng thấy anh đứng ngủ và mọi thứ xung quanh như vô hình. Lúc cùng V trú mưa dưới một tán cây, nàng bỗng nhiên bất động. Như có ai đó chỉ cây đũa thần vào nàng và mọi thứ đóng băng. Hoặc là có một ai đó đã cướp hồn nàng đi. Nàng không biết, V cũng không hiểu tại sao. Điều duy nhất mà nàng biết, chính gốc cây này nàng và anh cũng từng vội vã đạp xe đến trú mưa. Cơn mưa lịch sử năm 2008, Hà Nội ngập trong biển nước. Hôm V đến ngồi ở góc giường nhìn nàng chải tóc, nàng hốt hoảng bảo V đừng ngồi thế nữa hãy đứng lên đi. Nhưng không kịp nữa rồi, nàng buông thõng tay, lược trôi theo suối tóc rơi xuống đất kêu khô khốc. Cái dáng V ngồi sao giống anh đến lạ, cũng là chỗ ấy, góc giường…

V nói nàng đang mắc một căn bệnh kỳ lạ, có lẽ cần phải đến bệnh viện sớm. Nhưng giờ thì nàng biết mình không bị bệnh, càng chẳng có lý do gì để chờ đợi một đơn thuốc nhì nhằng. Nhưng mọi thứ rõ ràng đang tệ hơn, nàng không thể kiểm soát được trạng thái và hành động của mình. Anh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và thực tế thì nàng chẳng thể làm gì khác. Như thể mình đã được lập trình, còn cái điều khiển thì nằm trong tay người khác. Nàng bắt đầu lo sợ trước nhiều giả thiết được đặt ra. Giả dụ như một ngày nào đó nàng sẽ cưới V. Lúc cô dâu trao nhẫn cho chú rể, biết đâu nàng sẽ nhớ đến những ngón tay của anh, như bộ phim dài bị xước, lại đứng hình vài phút, trong khi hai họ ngồi dưới nhấp nhổm lơ ngơ không hiểu chuyện gì. Giả dụ như một hôm nào đó ngồi ăn cơm cùng chồng, nàng bỗng nhớ món này từng cùng anh hì hụi nấu vào một chiều bão về thành phố. Vậy là buông đũa, vậy là thở dài, vậy là bức tranh yên ấm bỗng có một vệt hoen dài cắt ngang. Lỡ chồng có hỏi bị làm sao, không lẽ lại bảo "em đang nhớ người xưa. Nhớ lắm…". Lần đầu tiên nàng thấy nỗi nhớ ấy phiền hà quá. Nó chi phối đời nàng như một con rối. Nó nhất định không chịu buông tha nàng. Nàng muốn gặp anh, muốn đòi anh cái phần hồn nàng đã đánh mất đâu đó trong những năm tháng yêu nhau. Muốn gột rửa tim mình mà trả hết thương nhớ không vướng bận gì. Nhưng nàng không biết tìm anh ở đâu, còn V thì nhất quyết kéo nàng đi bệnh viện. Bác sĩ nói nàng chẳng bị bệnh gì, nhưng những triệu chứng này có thể thành mãn tính. Nghĩa là đến già móm mém có khi vẫn cứ đứng hình vì một cái gáy giữa đám đông. Hoặc là tha thẩn đi tìm một chiếc cầu thang nơi công cộng. Bởi kí ức thì đâu có già, mấy chục năm sau vẫn giật mình hộ cái tuổi ngoài đôi mươi ấy. Tính sao đây?
*

*      *
Hôm rồi đi siêu thị với V. Dĩ nhiên là tránh cái siêu thị anh từng đứng ngủ. Lúc đang lúi húi ở quầy sách bỗng thấy lạnh phía sau lưng. Quay lại bắt gặp cái gáy quen thuộc ấy, dĩ nhiên đây không phải là một giấc mơ. Cái gáy ấy chúi đầu bên một cái gáy khác có lẽ đang chọn mua cuốn sách nữ công gia chánh hoặc bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nàng đoán thế là nhờ cái biển hiệu ở quầy. Nàng không biết mình đã đứng bất động trong bao lâu, mãi cho đến khi hai cái gáy ấy lẫn vào giữa đám đông nàng mới trở về trạng thái bình thường. Nàng quay lại chỗ hàng ghế gỗ dài, hỏi V:

- Sao không đánh thức em như mọi khi?

- Biết đâu đấy, tưởng em đang đọc sách. Mà hình như vừa nãy anh cũng ngủ quên mất. Chẳng nhớ được gì?

Nàng khẽ gật đầu, thở hắt ra. Nàng biết từ giờ mình sẽ không bao giờ bị đứng hình như thế nữa. Nàng giục V về sửa lại cánh cổng khu nhà trọ. Mùa này mùa gió, cánh cổng cũ nát ấy đón đúng hướng gió từ khu đất trống lùa vào bật lên tiếng kêu thảm thiết liên hồi. V đứng dậy, vươn vai đón lấy chồng sách trên tay nàng rồi cười bảo:

- Để đó anh sẽ sửa. Mình về thôi em…

Nàng muốn nhanh chóng rời khỏi chốn đời đông đúc, ảo ảnh này. Để được ngồi sau xe, tựa đầu vào lưng V trôi đi trong một buổi chiều rất đỗi êm đềm…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần