Áo dài nam - ứng dụng hay bảo tồn?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áo dài nam từng được sử dụng phổ biến cuối thế kỷ XIX nhưng đến khi người Pháp xuất hiện, áo sơ mi, giày da, vest tân thời lấn át.

Tại cuộc tọa đàm có tên “Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại” nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (23/11) của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao không nghĩ tính ứng dụng cho áo dài nam thay vì coi đây là di sản bảo tồn?
Thờ ơ với áo dài nam

Soi lại lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XIX, áo dài nam đã từng được sử dụng khá nhiều trong đời sống văn hóa với những đường nét rất sáng tạo và tinh tế. “Không chỉ quan chức trong triều, mà vào mỗi dịp lễ trọng của làng, xã, nam giới đều mặc áo dài. Ngoài ra, áo dài nam là trang phục thường ngày với một bộ phận tầng lớp trí thức” – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ. Tuy nhiên, khi người Pháp bắt đầu đặt chân vào Việt Nam, một thời kỳ đô hộ kéo theo cuộc xung đột giữa văn hóa phương Tây và văn hóa bản địa, tà áo dài nam dần bị đẩy lùi bởi những bộ âu phục tân thời cho nam giới. Áo dài bị sơ mi, giày da, những bộ vest lấn át, nên phần nào bị mai một và cách tân nhiều theo thời gian. Tiếp đó, vì sự thiếu thuận tiện trong đời sống công sở, cũng như vì lý do “gắn với phong kiến”, loại trang phục này ít được sử dụng ở miền Bắc giai đoạn sau năm 1954 và mai một dần…

Áo dài nam cách tân đang có sự tranh cãi về bảo tồn nguyên vẹn và tính ứng dụng.

Điều đáng buồn là khi Việt Nam có ý tưởng thiết kế quốc phục nam và quốc phục nữ, những nam giới của thế kỷ XX tỏ ra thờ ơ với lựa chọn áo dài nam. Tại các cuộc hội thảo, lấy phiếu thăm dò các đại biểu ở cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ở nội dung lễ phục dành cho nữ giới, 100% các đại biểu nhất trí chọn áo dài Việt Nam hiện tại làm nguyên gốc sáng tạo; áo dài nam chỉ nhận được 3% ý kiến đồng tình. Nam giới chủ yếu lựa chọn comple của người Tây. “Tôi cũng bất ngờ khi tại hội thảo, áo dài nam lại bị... thờ ơ đến vậy” - họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết. Chưa kể có cả những ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng trang phục này gắn với hình ảnh các nhân vật của Việt Nam thời Pháp thuộc, hoặc của chính quyền miền Nam cũ. Tuy nhiên, có lẽ cảm giác về thẩm mỹ mới là yếu tố chính để dẫn tới kết quả này.

Ứng dụng nhưng không quá cách tân

Để giảm tránh yếu tố thẩm mỹ của mẫu áo dài nam truyền thống, một số nhà thiết kế Việt vẫn chú tâm thiết kế các mẫu áo dài nam, nhưng theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm nhóm Đình làng Việt, các mẫu đó vừa lai Ấn Độ vừa lai Trung Quốc. “Các nhà thiết kế Việt cho rằng áo dài nam được cách tân từ mẫu truyền thống nhưng thực tôi không coi đó là cách tân. Bởi cách tân phải bám vào nét truyền thống, mà chiếc áo dài đó lại không hề có được điều đó, đưa những sáng tạo mới vào, đôi khi còn phảng phất những nét của Ấn Độ hay Trung Quốc… dài quá thì giống Trung Hoa còn ngắn quá thì lại giống Ấn Độ. Như vậy nét đẹp truyền thống của tà áo dài nam Việt hầu như không được các nhà thiết kế đón nhận và phát huy nó” – ông Bình nhấn mạnh. Theo ông Bình, ngày xưa không bao giờ áo dài nam dùng các màu sắc quá sặc sỡ, thể hiện tính cách của người đàn ông Việt luôn khoan thai, đứng đắn, giản dị.

Các chuyên gia đề xuất, để áo dài nam có thể ứng dụng trong đời sống, không trở thành hiện vật trưng bày trong “bảo tàng”, nên có những hình thức khuyến khích sử dụng. “Với xã hội hiện đại, việc phổ cập áo dài nam trong đời sống hàng ngày có thể không phù hợp. Nhưng nếu trang phục ấy xuất hiện trong những sự kiện đặc thù gắn với văn hóa Việt như lễ Tết, giỗ Tổ, hoạt động giao lưu văn hóa thì sẽ ý nghĩa hơn” – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo cho biết. Hoặc cuộc tọa đàm “Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại” cũng là cách khơi gợi lại giá trị của áo dài nam đang dần bị lãng quên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần