Tuy nhiên, việc hiểu và phát huy giá trị của áo dài vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản.
Bài 1: Biểu tượng vững bền của văn hóa Việt
Từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Áo dài đã “len lỏi” vào cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng.
Lịch sử áo dài Việt
Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam đã được bắt đầu chính xác từ đâu nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận thống nhất chung khẳng định, bộ quốc phục này đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm.
Áo dài Việt Nam xuất hiện phổ biến nhất từ thời nhà Nguyễn, khi đó chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết định phải có trang phục Đàng Trong khác với Đàng Ngoài do chúa Trịnh đang quản lý.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian xứ Đàng Trong, đưa áo dài trở thành trang phục chính thức. Bộ áo dài lúc đó được cách tân từ áo tứ thân, với tên gọi áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan: Thế kỷ XIX, áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc sang trọng và tầng lớp nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, phần thân vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỷ XX.
Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sĩ Cát Tường. Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim…
Đến thời áo dài Lê Phổ, dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên, bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Đây là chiếc ào dài nhận về khá nhiều sự khen ngợi và được sử dụng qua nhiều thời kỳ.
Từ năm 1930, các họa sĩ, nhà thiết kế phát triển thành áo dài hiện đại như ngày nay. Áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.
Quốc phục trong lòng mỗi người
Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động chương trình Tuần lễ áo dài. Sự kiện đã được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tích cực tham gia, mặc áo dài tại cơ quan, công sở, nơi làm việc và những sự kiện trong gia đình, xã hội, qua đó góp phần lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
Cũng không phải đợi đến chương trình Tuần lễ áo dài, nhiều năm trở lại đây vào dịp Tết Nguyên đán, hay mỗi dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, của đơn vị hoặc phạm vi sự kiện của một gia đình thì việc phụ nữ Việt diện áo dài đã trở thành thông lệ.
Thực tế những năm qua, rất nhiều cơ quan, tổ chức đã có những cố gắng để quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của áo dài truyền thống. Nhiều lễ hội áo dài, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều cuộc vận động mặc áo dài trong các kỳ lễ trọng liên tục diễn ra.
Cuối năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn vận động cán bộ, công chức mặc áo dài trong lễ chào cờ đầu tháng, nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo người dân. Dù chưa chính thức được công nhận là di sản văn hóa, song trong tâm thức của người Việt Nam, áo dài đã là di sản văn hóa.
Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Đình làng Việt không ngừng tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống; vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới quay trở lại đời sống. Tổ chức này cũng đồng thời hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm may theo truyền thống, phù hợp với đời sống hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, đồng thời là Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, việc may và mặc áo dài truyền thống đã có những kết quả khả quan; người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt trong lớp trẻ.
Có lẽ, chưa khi nào áo dài trở nên phổ biến như hiện nay, từ trung niên đến người cao tuổi hay cả trẻ em đều có thể trưng diện. Những năm gần đây, nhận thấy nét đẹp của truyền thống văn hóa và sự hài hòa trong thiết kế, nhiều nam giới đã mặc áo dài trong các dịp lễ Tết, hội hè hay các sự kiện văn hóa. Đặc biệt, thời trang áo dài đang phát triển mạnh trên các sân khấu trình diễn với muôn hình, nhiều dạng.
“Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hóa của dân tộc Việt” - Nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ về vị trí, vai trò của áo dài trong lòng người Việt.
"Áo dài Việt Nam đang trong hành trình tự khẳng định với tư cách là di sản văn hóa, bởi nó không chỉ là hình thức vật chất mà trong đó có cả truyền thống văn hóa. Tôn vinh áo dài không chỉ là tôn vinh vẻ đẹp của nó mà còn là tôn vinh vẻ đẹp và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, PGS.TS Trần Đức Ngôn
"Áo dài không chỉ là nghệ thuật biểu hiện mà còn là yếu tố văn hóa, di sản văn hóa. Có nhiều luồng văn hóa du nhập vào Việt Nam và không thể tránh khỏi tác động đến văn hóa trong nước, trong đó có cả áo dài truyền thống.
Thời gian qua, tôi không khỏi trăn trở khi nhiều bộ áo dài cách tân không giữ được bản sắc văn hóa, trong đó có những bộ áo dài nam cách tân giống trang phục truyền thống của Ấn Độ, Trung Quốc. Điều quan trọng hiện nay, làm thế nào để cách tân vừa đáp ứng thị hiếu người mặc, vừa giữ được yếu tố văn hóa ở đó và việc bảo tồn phụ thuộc nhiều vào lớp trẻ." - Giảng viên cao cấp ngành thời trang, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, TS Nguyễn Kim Hương
(Còn nữa)