Doanh nghiệp sản xuất tôn màu trong nước có thật sự thiệt hại?

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã gần 5 tháng kể từ khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau.

Mặc dù quyết định này được coi là một biện pháp hữu hiệu để có thể bảo hộ ngành sản xuất trong nước, song nhiều DN lại cho rằng, đây có thể sẽ là gánh nặng cho các nhà sản xuất hạ nguồn trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhận định này xuất phát từ việc giá tôn mạ màu có thể tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ tôn mạ màu như các nhà máy sản xuất vỏ thiết bị điện tử gia dụng (ti vi, tủ lạnh, máy giặt…) tăng. Và đặc biệt ảnh hưởng tới giá tôn mạ màu dùng trong xây dựng.

Các nhà sản xuất tôn màu trong nước - thiệt hại đến đâu?

Theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của các nguyên đơn, có thể thấy bên nguyên đơn chiếm 26% tổng sản lượng tôn màu của Việt Nam. Các nguyên đơn trích dẫn số liệu lợi nhuận của mình để phân tích về tổn thất nghiêm trọng của ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều này là chưa đầy đủ và sẽ có thể gây nhầm lẫn cho nhận định về thực trạng của ngành công nghiệp trong nước vì các nguyên đơn hoàn toàn chưa đề cập cũng như cơ quan điều tra có thể chưa xem xét, đánh giá các thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan của các nhà sản xuất lớn khác như Tập đoàn Hoa Sen – đơn vị chiếm gần 40% tổng sản lượng của toàn ngành.

Ảnh minh họa

Có thể thấy, trong giai đoạn điều tra xác định thiệt hại trong vụ áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/1/2013 đến 31/12/2015, nhiều công ty chiếm thị phần lớn trong ngành sản xuất tôn thép (như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Tôn Phương Nam…) vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử, Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (chiếm 4% thị phần trong toàn ngành), Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2013 của Công ty cho thấy doanh thu thuần là hơn 2.044 tỷ đồng - tăng 28,1% so với doanh thu thuần năm 2012 hơn 1.596 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (với thị phần chiếm 8,38%), cũng theo BCTC năm 2014 của Công ty cho thấy, mức tăng trưởng là 65% so với năm 2013. Trên thực tế cho thấy, tới năm 2015, Dự án Nam Kim 2 đã hoàn thành theo kế hoạch và bắt kịp tiến độ để xây dựng nhà máy Nam Kim 3.

Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (với thị phần chiếm 13,68%), BCTC ba năm liên tiếp 2013, 2014, 2015 của Công ty cho thấy tổng doanh thu liên tục tăng từ 3.081 tỷ đồng đến hơn 3.979 tỷ đồng và 4.303 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của năm 2015 tăng 991% so với năm 2014 (từ gần 22 tỷ đồng lên hơn 216 tỷ đồng). Biên độ lợi nhuận của Quý 4 năm 2015 tăng lên 7% so với cùng kỳ năm 2014. Nhà máy Tôn Đông Á thứ 2 đặt tại Lô 3, Khu Công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng đồng thời chính thức đi vào hoạt động.

Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen (chiếm 38,13% thị phần), DN có thị phần lớn nhất trong ngành, báo cáo tài chính của Công ty cũng cho thấy lượng tiêu thụ sản phẩm của năm 2015 so với năm 2014 tăng 13% so với mục tiêu đề ra. Doanh thu thuần về bán hàng của Tôn Hoa Sen tăng từ hơn 11.772 tỷ đồng năm 2013 lên 15.005 tỷ đồng năm 2014, và tăng lên 17.469 tỷ đồng năm 2015. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Tôn Hoa Sen năm 2014 là gần 459 tỷ đồng VND và năm 2015 là 808 tỷ đồng VND. Gần đây nhất, Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận của công ty với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD mới chính thức được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch ngành thép năm 2020 đến 2025.

Tình hình sản xuất, kinh doanh đầy khả quan các Công ty sản xuất tôn mạ màu trong nước trong thời gian gần đây là điều không thể chối cãi khi được thể hiện qua các số liệu trong các BCTC nói trên, đồng thời đó cũng là động lực và căn cứ để các công ty liên tiếp đầu tư dự án mới hoặc mở rộng quy mô năng lực của các dự án hiện tại.

Xác định đúng mức độ thiệt hại, yếu tố quan trọng

Thiệt hại nghiêm trọng thực tế hoặc nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng được coi là yếu tố tiên quyết làm căn cứ áp dụng biện pháp tự vệ trong Hiệp định về tự vệ của WTO cũng như nội luật của bất kỳ một quốc gia thành viên nào, không riêng gì Việt Nam. Bởi không giống như hai phương thức phòng vệ thương mại còn lại, khi việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay áp dụng biện pháp chống trợ cấp Chính phủ đều xuất phát từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các DN xuất khẩu cụ thể (cố ý bán phá giá hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ quá mức cho phép), biện pháp tự vệ được áp dụng ngay cả khi bên xuất khẩu hoàn toàn không có lỗi và có thể được áp dụng toàn cầu cho mọi nước xuất khẩu (ngoại trừ các nước đang phát triển và có tổng lượng xuất khẩu chiếm dưới mức 3% theo số lượng).

Do đó, việc chứng minh thiệt hại hay nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất trong nước phải là chắc chắn, rõ ràng và toàn diện, bởi nếu biện pháp tự vệ được áp dụng thiếu căn cứ thì Việt Nam có thể bị các DN xuất khẩu khiếu kiện lên WTO và có thể bị các nước xuất khẩu áp dụng biện pháp trả đũa cũng như yêu cầu bồi hoàn. Như vậy, người thiệt hại không ai khác là bản thân nước áp dụng biện pháp tự vệ một cách tùy tiện, các DN của các ngành sản xuất trong nước khác và cuối cùng là người tiêu dùng của chính quốc gia áp dụng biện pháp tự vệ.

Tóm lại, việc xác định thực chất tình hình tăng trưởng hay thiệt hại của các DN sản xuất tôn màu trong nước cần được nhìn nhận một cách toàn diện, bao quát trên nhiều khía cạnh, đủ mức độ đại diện cho toàn ngành, có xét đến cả các tác động khách quan và chủ quan thì mới đưa ra được kết luận chính xác và công bằng nhất. Từ đó, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu của Việt Nam mới được cho là có căn cứ pháp lý đầy đủ và rõ ràng theo đúng quy định của WTO và nội luật của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần