Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng giá trông giữ xe mới: Xe giảm, nhưng đường vẫn tắc

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/1, khung giá mới trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường đã được đưa vào áp dụng. Ghi nhận thực tế cho thấy, một bộ phận người dân đã bắt đầu thận trọng cân nhắc việc sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển.

Giảm lượng ô tô ra, vào trung tâm

Theo quy định mới tại Quyết định số 44/2017/QĐ - UBND do UBND TP Hà Nội ban hành, giá gửi xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Một số tuyến phố thuộc khu vực cần hạn chế phương tiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mức giá trông xe tháng đã tăng mạnh từ 1,2 - 2 lần.

Trước vấn đề này, đã có một số ý kiến cho rằng việc tăng giá gửi xe như hiện nay đang gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người sinh sống trong khu vực trung tâm TP. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, việc tăng giá trông giữ không thể hạn chế xe cá nhân, tiến tới giảm UTGT và ô nhiễm môi trường cho TP.
 Một điểm trông giữ xe trên phố Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải

Tuy vậy, chỉ ít ngày thực hiện cho thấy, mức giá trông giữ cao hơn đã ngay lập tức tác động đến các chủ phương tiện. Như Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức cho biết, ít ngày qua, lượng xe đỗ gửi tại các bãi do đơn vị trông giữ đã có dấu hiệu sụt giảm. “Một số người cho biết sẽ không dùng xe cá nhân đi làm nữa; số khác thì bày tỏ họ đang tìm kiếm các bãi gửi với giá cả phù hợp hơn” - ông Đức thông tin.

Ghi nhận thực tế trên một số tuyến phố thuộc các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa cho thấy, nhiều bãi gửi đã thưa bớt ô tô con trong khi lượng xe máy không giảm rõ rệt do giá gửi không quá cao. Anh Trần Xuân Tiến (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thường dùng ô tô để đi làm hàng ngày trong trung tâm TP. Nhưng do nhu cầu đi lại không cao, ngày chỉ 2 lượt đi về nên chi trả mức giá gửi xe lên đến trên 3 triệu đồng/tháng là không phù hợp. Tôi đang cân nhắc giữa xe buýt và Grab, Uber để thay thế xe riêng”.

Còn chị Nguyễn Thị Thủy (đường Bưởi, quận Tây Hồ) bộc bạch: “Trước nay tôi vẫn dùng ô tô để đi mua sắm hoặc đưa con cái đi chơi ở khu vực Bờ Hồ, Hồ Tây. Xe cứ gửi cả mấy tiếng cũng chỉ vài chục đến 100.000 đồng. Nay theo biểu giá mới, càng gửi lâu, tiền phí lũy tiến lên càng cao nên tôi cũng ngại đi xe riêng”.

Đồng bộ các giải pháp

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận, biện pháp tăng giá trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, đặc biệt là tại các quận lõi đô thị đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Mục đích tăng là để hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông, nhằm giảm UTGT. Nhìn vào thực tế, sau khi tăng giá trông giữ, lượng xe ra vào trung tâm TP sụt giảm nghĩa là biện pháp trên đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân, tiến tới giảm UTGT và ô nhiễm môi trường cần phải được thực hiện đồng bộ. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhận định, không ít người dân bức xúc cũng vì chưa hoàn toàn tin tưởng vào mạng lưới vận tải công cộng của TP. “Họ lo ngại xe buýt không đáp ứng được nhu cầu đi lại cả về thời gian lẫn chất lượng phục vụ nên không muốn từ bỏ xe cá nhân. Còn loại hình taxi thì vẫn nhiều bất cập như giá cước cao, thái độ phục vụ chưa thực sự văn minh….” - ông Quân lý giải.

Hiện nay, TP đã có một hệ thống xe buýt phủ đều khắp 30 quận, huyện, thị xã. TP đang tiếp tục tập trung hoàn thiện mạng lưới và nâng cao chất lượng xe buýt. Hơn nữa, người dân cũng cần ý thức được rằng chính thói quen sử dụng xe cá nhân đang làm chậm nhịp phát triển của vận tải công cộng. “Đường phố lúc nào cũng tràn ngập ô tô con và xe máy thì xe buýt làm sao có thể vận hành tốt được. Chúng ta đừng nên tự đặt mình vào bài toán luẩn quẩn: Phát triển vận tải công cộng trước hay hạn chế xe cá nhân trước. Cần phải đồng bộ tất cả các giải pháp mới nhanh chóng bứt phá khỏi tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường” - ông Đặng Chí Nga nhấn mạnh.

Lo phát sinh điểm đỗ không phép

Bên cạnh hiệu quả bước đầu hạn chế xe cá nhân, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc tăng giá trông giữ phương tiện sẽ dẫn đến gia tăng các điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn nội đô. Ngoài ra, do loại hình taxi công nghệ (Grab, Uber…) chưa được quản lý chặt chẽ, giá cước lại thấp nên nhiều người dân khi từ bỏ xe cá nhân sẽ hướng đến lựa chọn loại hình này, làm gia tăng đáng kể áp lực giao thông cho TP. Trước những băn khoăn đó, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết: “Dự thảo quy chế quản lý taxi trên địa bàn Thủ đô, trong đó đưa taxi công nghệ vào quản lý như taxi truyền thống, đã được UBND TP thông qua và đang gấp rút tiến hành các bước thủ tục cuối cùng để ban hành. Khi đã áp dụng quy chế quản lý mới, sẽ không có chuyện Grab, Uber… được tự do ra vào phố cấm, giờ cấm, gây áp lực cho giao thông Hà Nội”.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Sở GTVT và các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm minh các điểm trông giữ xe tự phát, trái phép, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP. Nếu tăng giá ở các bãi có cấp phép mà lại để các bãi không phép mọc tràn lan, thu giá rẻ hơn sẽ khiến một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân bị vô hiệu hóa.

TS Thạch Minh Quân còn đưa ra vấn đề, hiện có một số dư luận về việc các bãi trông giữ không thuộc diện tăng giá nhưng lợi dụng tình hình này để “ăn theo”, gây bức xúc cho người dân. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm để tránh gây bức xúc trong Nhân dân. “Lực lượng chức năng phải phát huy được tinh thần trách nhiệm và hiệu quả tối đa trong giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, không để phát sinh các điểm trông giữ xe trái phép, thu quá giá khiến người dân bất bình, mất lòng tin vào chính sách của TP” - ông Quân nhấn mạnh.

"Người dân có quyền lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe cá nhân. Nếu dùng xe cá nhân, họ cũng có lựa chọn đỗ gửi ở khu vực bên ngoài Vành đai 3, giá trông giữ tại đó vẫn giữ nguyên, không tăng." - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Thủy