Áp dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế: Nâng cao đời sống người dân

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ở Hà Nội thời gian qua diễn ra sôi nổi trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. KH&CN đang từng bước trở thành đòn bẩy, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đặc biệt là lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản

Nhãn chín muộn là cây đặc sản được trồng ở huyện Hoài Đức từ lâu, nhưng đến năm 2013, khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu "Nhãn chín muộn Hoài Đức” và quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng mới có cơ hội tiếp cận nhiều. Giá trị kinh tế của nhãn chín muộn Hoài Đức từ đó được nâng lên. Thực tế, khi triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể, Hoài Đức mới có 40,5ha, nhưng đến nay diện tích trồng loại cây ăn quả này đã tăng lên 85ha, năng suất tăng từ 15 lên 18 tấn/ha, giá bán cũng tăng từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg, cuối vụ đến 60.000 đồng/kg, thu nhập tăng từ 300 - 500 triệu đồng/ha lên 700 triệu đồng/ha, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, sau khi rau hữu cơ được xây dựng nhãn hiệu, diện tích sản xuất cũng tăng từ 2,5ha lên 20ha, sản lượng tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội tăng lên 20 tấn/tháng, giá trị đạt trên 1 tỷ đồng/ha, thu nhập cho mỗi thành viên sau khi trừ chi phí tăng từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất thông thường.

Sản xuất hàng kim khí tại Công ty Cơ khí Tâm Hợp, Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, lĩnh vực sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước, nơi tập trung các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống độc đáo. Thời gian qua, Sở KH&CN đã hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho khoảng 200 tổ chức và DN trên địa bàn. Đồng thời triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2010 - 2020, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các quận, huyện, thị xã xây dựng nhãn hiệu tập thể, chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản trên địa bàn như: “Sữa tươi Ba Vì”, “Gà đồi Ba Vì”, “Miến dong Minh Hồng”, “Khoai lang Đồng Thái”, “Chè Ba Vì”, “Quất cảnh Tứ Liên”, “Chè sen” Tây Hồ; “Dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ”, “Bưởi sạch Sóc Sơn”, “Rau an toàn Hà Nội”...

Ngoài ra, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN đã hỗ trợ 22 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nhiều đặc sản địa phương gắn với địa danh của Hà Nội; tổ chức hơn 40 lớp/buổi tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ cho cán bộ chuyên trách các quận huyện, người sản xuất và kinh doanh đặc sản làng nghề; xây dựng 22 phóng sự, quảng bá và giới thiệu tài sản trí tuệ làng nghề và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội.

Có thể nói, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể đã thu hút được sự quan tâm của các quận, huyện, thị xã; tạo ra tư duy và định hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy các sản phẩm đặc sản của làng nghề và nông sản. Tuy mới được triển khai, nhưng các sản phẩm sau khi được xây dựng nhãn hiệu đều mang lại hiệu quả rõ rệt về số lượng và giá trị.

Phát triển đồng đều nhiều lĩnh vực

Không chỉ tập trung phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN còn thực hiện đồng đều các lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của mình. Tỷ lệ ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất ngày càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý môi trường, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững. Các hoạt động về thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân tiếp tục được chú trọng triển khai và đem lại nhiều kết quả tốt.

Công tác thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh trạnh của các DN. Hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước và các DN cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện công tác cải cách hành chính của TP; các DN nhờ áp dụng hệ thống ISO tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

Để thực hiện mục tiêu của TP về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung: Triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo sự phân công của TP; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN trên địa bàn.

Trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm hình thành và phát triển công nghệ cao, đồng thời sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách TP cho các DN. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các hộ sản xuất...

Bên cạnh đó sẽ xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp; Đầu tư và phát triển mạnh khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch; Tăng cường các hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, sẽ tăng cường phối hợp quản lý giữa Sở KH&CN với UBND các quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trên địa bàn.