Phát huy hiệu quả thực hiện án chỉ định
Tại Hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Xây dựng pháp luật & Trợ giúp pháp lý đã tóm tắt tình hình thực hiện án chỉ định, trợ giúp pháp lý và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua của Đoàn Luật sư Hà Nội cũng như nêu một số những nội dung trọng tâm của Hội thảo.
Theo luật sư Nguyễn Thị Luyên (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội), việc thực hiện án chỉ định, trợ giúp pháp lý đã được triển khai đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn một số điểm hạn chế, bất cập. Thứ nhất, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể thế nào là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần.
Thứ hai, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người bị Tòa án tuyên bố mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và hành vi. Trong khi đó, về việc thực hiện trợ giúp pháp lý, đầu tiên, Luật trợ giúp pháp lý 2017 cần làm rõ và quy định thêm về đối tượng được trợ giúp pháp lý thuộc trường hợp có khó khăn tài chính.
Tiếp theo, pháp luật về trợ giúp pháp lý cần có quy định cụ thể về việc phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên qua đến hoạt động trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thảo luận về thực hiện án chỉ định và trợ giúp pháp lý, luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự) đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục những vấn đề liên quan trên. Theo đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về chỉ định và vai trò của luật sư trong vụ án chỉ định. Cần có sự quán triệt và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chi trả thù lao luật sư đúng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cần thiết kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp với Đoàn Luật sư địa phương góp tiếng nói chung để yêu cầu các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động thực hiện án chỉ định và thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác thực hiện án chỉ định. Cuối cùng là xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát huy hiệu quả thực hiện án chỉ định trên thực tế
Chuyển đổi số trong tuyên truyền pháp luật
Thảo luận về công tác trợ giúp pháp lý và phổ biến, giáo dục pháp luật theo mô hình mới, Luật sư Mai Bích Ngân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cũng cần có những cải tiếng có tính chất đột phá, tiến kịp với tiến trình phát triển tất yếu của xã hội.
Một số giải pháp mang lại kết quả khả quan là truyền thông về trợ giúp pháp lý không ngừng đổi mới theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại, hotline…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin trợ giúp pháp lý tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống quản lý trợ giúp pháp lý; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý…
Cùng với đó, tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trợ giúp pháp lý của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từng lĩnh vực hoạc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm.
Trong khi đó, luật sư Lê Ngọc Thảo (Ban Xây dựng pháp luật & Trợ giúp pháp lý) nhận xét, hiện nay các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật do Đoàn Luật sư Hà Nội thực hiện rất đa dạng, tập trung vào các hình thức sau: Phổ biến, tư vấn pháp luật trực tiếp; tư vấn, giải đáp pháp luật, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; biên tập các video clip xây dựng tình huống pháp luật và giải đáp tình huống pháp luật thường gặp; phổ biến, tư vấn pháp luật trực tuyến; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…
“Qua nhiều năm tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tôi đề xuất thí điểm, áp dụng một số mô hình mới về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn Luật sư Hà Nội gồm: Thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội; Thành lập tổng đài (ảo) tư vấn pháp luật tự động và bán tự động phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật, giải đáp pháp luật 24/7 qua điện thoại di động cho khách hàng trong mọi lĩnh vực” - luật sư Lê Ngọc Thảo đề xuất.