Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng “một cửa” trong cung cấp dịch vụ về tang lễ: Dẹp nạn “cò mồi”

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ kết quả khả quan sau thời gian thực hiện “một cửa” cung cấp dịch vụ công (DVC) giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và cấp nước sạch, UBND TP đã chỉ đạo mở rộng mô hình sang một số lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, tang lễ, y tế…

Trong đó, Kế hoạch “Áp dụng cơ chế một cửa trong cung cấp DVC tại Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội” vừa được UBND TP ban hành.
Mục tiêu cao nhất là minh bạch thông tin
Toàn TP có 2.639 nghĩa trang Nhân dân, 2 cơ sở hỏa táng, 18 nhà tang lễ, chủ yếu tại nội thành, nhỏ hẹp và thiếu cơ sở vật chất nên thường quá tải. Thời gian qua, việc công khai thông tin về DVC, nhất là vị trí đặt mộ tại nghĩa trang chưa đầy đủ, thiếu chi tiết giá cả. Vì vậy, người dân chủ yếu phải nhờ tư vấn qua điện thoại, thì hay bị đối tượng "cò" đưa thông tin không chính xác để trục lợi.
Nhằm khắc phục hạn chế, khuyến khích chuyển từ hung táng sang hỏa táng, TP áp dụng cơ chế một cửa trong cung cấp DVC tại Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội để minh bạch thông tin, giúp người dân bớt đi lại nhiều lần, nhiều nơi... TP sẽ áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết các DVC đặc thù của Ban tại 4 điểm ký hợp đồng chính (trụ sở Ban 125 Phùng Hưng, Nhà điều hành tang lễ Cầu Giấy, Đội xe 259 Minh Khai, Đài hóa thân Hoàn vũ - Nghĩa trang Văn Điển) và giải quyết các DVC khác ở 19 điểm trên địa bàn.
Đáng chú ý, nhằm dẹp đối tượng “cò mồi”, 100% trong 17 DVC được lựa chọn sẽ được công khai về mức giá, hồ sơ, điều kiện, quy trình, thời gian tiếp nhận giải quyết tại bộ phận một cửa (BPMC), trên website…; niêm yết đường dây nóng và hòm thư góp ý. UBND TP cũng yêu cầu đơn vị công khai danh sách viên chức, nhân viên tiếp nhận và trả kết quả; giải quyết đúng hoặc trước hạn 100% hồ sơ…
Người dân được hưởng lợi
Phó Trưởng Ban Phục vụ Lễ tang Hà Nội Lê Hồng Lân cho biết: Ban đã thiết lập hoàn chỉnh bộ danh mục 17 DVC sẽ thực hiện theo cơ chế Một cửa, đang chỉnh sửa theo ý kiến Sở Tư pháp, và sẽ trình UBND TP để ban hành (dự kiến trong tháng 4/2017). Đặc biệt, với số lượng lớn sản phẩm, dịch vụ mà Ban cung cấp mỗi ngày (hơn 70 chuyến xe, 4 đám tang tại nhà tang lễ, 50 ca hỏa táng…), khi áp dụng “Một cửa” cung cấp DVC, lợi ích lớn nhất chính là minh bạch thông tin về DVC. Thông tin được đăng không chỉ trên website của Ban mà còn trên Cổng giao tiếp điện tử TP, nên người dân có thể chủ động nắm thông tin, tránh bị “cò mồi” đẩy giá lên 3 - 4 lần so với giá Ban đưa ra.
Theo nhiều ý kiến, đối tượng hưởng lợi  của việc triển khai này là người dân. Song, theo lãnh đạo Sở Nội vụ không nên cứng nhắc khi xây dựng BPMC, mà cần hướng tới việc phục vụ người dân tốt nhất. Trong đó, phải minh bạch để họ dễ tiếp cận thông tin ban đầu, nhanh chóng ký được hợp đồng. Về phía cơ quan chủ quản, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh: Lúc người dân thỏa thuận xong, phải được trả hợp đồng ngay chứ không thể đợi 1 - 2 ngày như hiện nay. Để người dân không phải đi lại nhiều, trong hợp đồng cần thông tin rõ số điện thoại nhân viên của BPMC để người dân tiện liên hệ… Đặc biệt, BPMC cần công khai số mộ trống, thời gian trống, giá dịch vụ…, và khẳng định “người dân không phải mất thêm bất kỳ chi phí gì”.
Sau khi UBND TP ban hành bộ DVC thực hiện theo cơ chế một cửa và Ban bố trí xong cơ sở vật chất, nhân lực tại BPMC đảm bảo thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức, trong quý II/2017, Sở LĐTB&XH sẽ tổ chức việc cung cấp DVC theo cơ chế Một cửa tại Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội. UBND TP cũng giao Ban trong năm nay xây dựng, áp dụng quy trình ISO 9001:2008, hiện đại hóa hoạt động, rà soát đơn giản hóa thủ tục DVC...