Áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/8, UBTV Quốc hội đã thảo luận những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư Lê Thị Thu Ba phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư Lê Thị Thu Ba phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Nhiều ý kiến đồng tình với việc đưa vào Dự án Bộ luật này nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” và “suy đoán vô tội” nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của bị cáo trong xét xử và hạn chế án oan, sai.

Tránh oan sai

Dự án Bộ Luật này khi được trình ra tại kỳ họp thứ 9, nhiều ĐB Quốc hội cho rằng nội dung nguyên tắc “Suy đoán vô tội” và nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp. Tiếp thu các ý kiến này, cơ quan thẩm tra Dự án Bộ Luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị chỉnh lý lại một số nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, việc chỉnh lý  vẫn chưa toát lên được tinh thần “xuất phát” của nguyên tắc suy đoán vô tội. Bởi tiếp cận tố tụng hình sự theo nguyên tắc suy đoán vô tội có nghĩa là tất cả người tiến hành tố tụng, điều tra viên ngay từ ban đầu phải xác định người bị buộc tội vô tội, chưa có tội, sau đó mới nghĩ đến chuyện khác. “Từ cách tiếp cận này, khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ, xem có tình tiết nào vô tội chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan và tránh được oan, sai” - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật lý giải.

Đây cũng là quan điểm được Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp T.Ư Lê Thị Thu Ba đồng tình. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị, trong cách đặt vấn đề của Luật này không chỉ có nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cần đưa thêm vào nguyên tắc “xử lý có lợi” cho đương sự, tức là không đủ căn cứ kết tội nặng thì phải kết tội nhẹ, bởi trong nhiều trường hợp không phải đương sự không có tội mà không đủ căn cứ để kết tội như truy tố.

Cân nhắc phạm vi phải ghi âm ghi hình

Liên quan đến quy định tại Điều 188 Dự án Bộ Luật về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định, đây là hoạt động cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình. Do vậy, Dự án Bộ Luật quy định theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”. Nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng phạm vi ghi âm, ghi hình theo hướng nơi nào lấy cung điều tra đều phải ghi âm, ghi hình.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, nếu mở rộng phạm vi tiến hành ghi âm, ghi hình như vậy sẽ rất khó khả thi. Tương tự, quy định sau khi ghi âm, ghi hình bắt buộc phải phát lại cho bị cáo được ghi âm, ghi hình nghe, sẽ rất mất thời gian và không thực sự cần thiết. “Nếu bị cáo nhận tội rồi thì ghi âm, ghi hình xong niêm phong để đấy. Sau này tùy từng trường hợp mới sử dụng, chẳng hạn khi ra Tòa bị cáo nói bị áp cung thì lúc đó sẽ phát lại ghi âm, ghi hình, còn các trường hợp khác thì không cần thiết bắt buộc phải phát lại cho bị cáo xem” - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn góp ý.

Nhiều thành viên UBTV Quốc hội cũng đề nghị cần thiết phải quy định các “biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt” ngay trong Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cũng thảo luận về những ý kiến còn khác nhau của Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Sáng 13/8, sau khi cho ý kiến Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, UBTV Quốc hội đã thống nhất quan điểm nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật bởi tính hợp hiến, quy định về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên  nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội quy định hàm cấp trong lực lượng vũ trang Nhân dân tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp. Và Dự Luật này sẽ trình đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2015 trên tinh thần luật này thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần