Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng sổ điểm điện tử: Giải bài toán bảo mật

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương áp dụng sổ điểm điện tử (SĐĐT) thay cho sổ điểm truyền thống bằng giấy trong các nhà trường của Hà Nội là một điểm mới được dư luận quan tâm trong năm học 2016 - 2017 này.

Bởi ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, áp dụng SĐĐT còn được nhà quản lý khẳng định nhằm tránh tiêu cực trong nâng, sửa chữa điểm.

Giáo viên đồng tình

Từ năm học 2016 - 2017, SĐĐT sẽ được áp dụng ở cấp THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, giáo viên (GV) bộ môn trực tiếp nhập điểm vào sổ điểm theo định kỳ. Điểm số được cập nhật phải thống nhất với điểm trong sổ ghi điểm giấy cá nhân của GV. Ban giám hiệu kiểm tra tiến độ, tỷ lệ đánh giá điểm kiểm tra theo quy định vào cuối mỗi tháng của năm học. Kết quả kiểm tra lấy làm căn cứ xếp loại việc thực hiện tiến độ kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) mỗi tháng/học kỳ... Riêng việc điều chỉnh các sai sót trong quá trình nhập thông tin, điểm số trên phần mềm, dù do GV đề nghị cũng phải qua sự kiểm duyệt của Hiệu trưởng và có “lưu vết” trên hệ thống.
Năm học 2016-2017, phụ huynh thực hiện nhập học cho con qua hệ thống điện tử. Ảnh: Trung Đức
Năm học 2016-2017, phụ huynh thực hiện nhập học cho con qua hệ thống điện tử. Ảnh: Trung Đức
Hầu hết GV khi được hỏi đều đồng tình với đổi mới này. “Cái lợi” mà người trực tiếp cho điểm HS nhận ra là sự bớt áp lực trong việc tính điểm và ghi sổ. Như các GV phân tích, theo cách thức truyền thống, mỗi GV sau khi tự cho điểm, phải tính điểm cho từng HS. Việc đó mất nhiều thời gian, nhất là vào cuối học kỳ, cuối năm học vì số HS mỗi lớp đông (40 - 50 HS). Mà mỗi lớp lại chỉ có một “sổ điểm cái”, nên GV phải phân chia nhau để vào điểm. Đôi khi chỉ một GV bộ môn tính nhầm điểm cho một HS, thì hầu hết các công đoạn phải làm lại...

Bà Nguyễn Hồng Luyến - GV một trường THCS ở quận Đống Đa khẳng định: Sử dụng SĐĐT thay thế sổ điểm bằng giấy sẽ tạo thuận lợi hơn cho GV về thời gian, công sức; việc tính toán, xếp loại học lực của HS cũng nhẹ nhàng và bảo đảm chính xác hơn. Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Vọng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Long (huyện Sóc Sơn) cũng cho rằng, việc tính điểm cho HS hiện nay thực hiện thủ công nên việc GV ghi chép vào sổ cũng khó tránh khỏi nhầm lẫn. Chủ trương thay thế sổ điểm giấy bằng sổ điện tử là hợp lý, sẽ làm giảm đáng kể các đầu việc đối với GV trong quản lý, xếp loại HS.

Còn đó những băn khoăn

Dẫu những thuận lợi được nhận ra như vậy, nhưng không phải không có những băn khoăn từ phía những người trực tiếp sử dụng SĐĐT. Như bà Vọng bày tỏ: “Để sử dụng hiệu quả SĐĐT, trước hết phải có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đầu tư máy tính, đường truyền tốt. Các trường xa trung tâm, trường ở các huyện nghèo như chúng tôi còn rất khó khăn về cơ sở vật chất”.

Rồi nỗi lo lắng về việc bảo mật điểm số, bởi chỉ cần biết mật khẩu là có thể sửa chữa được điểm trong hệ thống. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Cường - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: “Mọi thao tác can thiệp trên hệ thống đều sẽ được "lưu vết" cụ thể. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật và quản lý tại hệ thống máy chủ (server) lưu trữ đặt tại trung tâm thông tin của ngành với sự giám sát, quản lý chặt chẽ của một bộ phận quản trị thông thạo kỹ thuật”.

Hiện tại, hệ thống SĐĐT có các tính năng cần thiết trong việc tính toán, bảo lưu điểm số với yêu cầu dễ sử dụng và tuyệt đối bảo mật đang được khẩn trương hoàn thiện để kịp thời đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học mới 2016 - 2017. Trong đó, việc bổ sung, sửa chữa điểm trên hệ thống yêu cầu phải tuân theo quy trình bắt buộc với các bước khai báo cần thiết.