Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng Thông tư 22: Giáo viên đồng tình

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 6/11, các trường tiểu học đã chính thức áp dụng Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT (TT22) thay thế Thông tư 30 về nhận xét, đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Phần lớn giáo viên (GV) bày tỏ sự đồng tình với những thay đổi trong TT mới.

Thầy cô "nhẹ gánh"
Một trong những ưu điểm của TT22 mà GV tiểu học đồng tình nhất là được quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép các lưu ý trước những nội dung HS chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội. Hơn nữa, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục đã "thế chỗ" cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục, lại không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào trong quá trình đánh giá HS.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Không ít GV khẳng định, khi áp dụng TT22, các thầy cô "nhẹ gánh" hơn hẳn hồi thực hiện TT30. Một cô giáo trường Tiểu học Việt Long (huyện Sóc Sơn) cho biết: “Khi áp dụng TT30, nhiều GV vì làm không xuể đã dùng biện pháp khắc dấu, nhân bản lời nhận xét… Đây là cách làm hình thức, không mang lại hiệu quả. Thay đổi trong TT22 sẽ giúp GV thuận lợi hơn khi đánh giá HS. Điều này cũng có nghĩa GV có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến từng HS, biết em nào mạnh, yếu điểm nào để bổ sung kiến thức kịp thời”. Đây cũng là quan điểm của cô giáo Đỗ Tường Phượng, trường Tiểu học Nhật Tân (quận Tây Hồ) sau khi TT22 được đưa vào áp dụng trong nhà trường.
Đặc biệt, tại Hà Nội, sau khi TT22 có hiệu lực, GV tiểu học còn chính thức đưa việc đánh giá, nhận xét và điểm số định kỳ lên sổ điểm và học bạ điện tử theo phần mềm chung của TP đang được triển khai tới 100% trường phổ thông.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ở cấp tiểu học, việc áp dụng phần mềm sổ điểm, học bạ điện tử triển khai chậm hơn bậc THCS và THPT vì phải chờ TT22. “Những đổi mới trong TT22 so với TT30 sẽ được cập nhật ngay trong phần mềm này. GV thay vì phải ghi chép nhiều lần, vào nhiều loại sổ khác nhau, thì hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt đầu việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá, nhận xét HS theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT” - ông Tiến khẳng định.
Khắc phục điểm yếu
Có thể nói, quy định khiến GV phản ứng nhất trước đây khi thực hiện TT30 là việc đánh giá HS theo 2 mức (Hoàn thành và Chưa hoàn thành) nặng về định tính, khiến phụ huynh hiểu chung chung, lại không khuyến khích được HS học tập. Nay, TT22 đã bước đầu khắc phục vấn đề này bằng quy định nhận xét theo 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Mặt khác, quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa năng lực, phẩm chất HS thành 3 mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng, đã cụ thể, rõ ràng hơn.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Trần Thị Hương cho biết, tuần tới, các trường tiểu học trên địa bàn quận bắt đầu tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho HS lớp 4, 5. Việc kiểm tra này không gây áp lực về điểm số, nhưng lại giúp GV có căn cứ đánh giá quá trình học tập của HS trong những tháng đầu năm học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. “Nhiều phụ huynh lo ngại con ở bậc tiểu học không phải làm bài tập về nhà, ít kiểm tra trên lớp nên sẽ bị sốc khi vào lớp 6 với khối lượng bài tập lớn, nhiều môn học, kiểm tra liên tục. Tuy nhiên, đối với HS lớp 4, 5, các em vẫn có những bài kiểm tra định kỳ trên lớp, không lấy điểm vào học bạ. Việc tăng cường các bài kiểm tra giữa kỳ theo quy định của TT22 góp phần khắc phục những lo lắng đó của phụ huynh” - bà Hương nhận định.

Ở góc độ nhà quản lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Xuân Mai cũng khẳng định, TT22 lượng hóa việc đánh giá HS cụ thể, rõ ràng, giảm áp lực cho GV, cho công tác quản lý. Hơn nữa, cha mẹ HS có thể xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình sau một thời gian học tập, rèn luyện. Qua đó, GV, nhà trường, phụ huynh sẽ có những giải pháp kịp thời giúp đỡ HS khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để HS ngày một tiến bộ hơn.