Áp dụng tự vệ đối với tôn màu: Không thể một vài DN kêu lỗ là thực hiện

Phạm Bích
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan chức năng cần tiếp tục phân tích liệu việc gia tăng hàng nhập khẩu trong thời gian vừa qua có phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu và rõ ràng dẫn đến tình trạng thua lỗ của một số DN sản xuất trong nước?

Để áp dụng tự vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, cần đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có sự gia tăng “đột biến” và “không lường trước được” của hàng nhập khẩu; Có thiệt hại “nghiêm trọng” hoặc đe doạ gây thiệt hại “nghiêm trọng” cho ngành sản xuất trong nước; Và mối quan hệ nhân quả rõ ràng và trực tiếp giữa việc gia tăng hàng nhập khẩu và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Trong khi 2 điều kiện đầu hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với tôn màu nhập khẩu, cơ quan chức năng cần tiếp tục phân tích liệu việc gia tăng hàng nhập khẩu trong thời gian vừa qua có phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu và rõ ràng dẫn đến tình trạng thua lỗ của một số DN sản xuất trong nước?

Cần những nhìn nhận khách quan

Trong quá trình xem xét điều kiện thứ 3, chúng ta cũng cần khách quan nhìn lại những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng thua lỗ của một số DN sản xuất tôn màu trong nước. Cụ thể là những nguyên nhân gây ra bởi chính ngành công nghiệp sản xuất trong nước hay từ nội bộ ngành.

Trước hết cần xem xét sự giảm giá nguyên liệu đầu vào. Sự sụt giảm mạnh của giá nguyên liệu bao gồm thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội và thép mạ kẽm cũnglà một yếu tố ảnh hưởng đến sự giảm giá sản phẩm tôn màu. Các nguyên đơn của vụ việc chưa chỉ ra một cách rõ ràng về sự liên quan và mối quan hệ nhân quảtrực tiếp giữa sự suy giảm giá sản phẩm trong nước - một chỉ số về tổn thất- với sự gia tăng hàng nhập khẩu.
 Ảnh minh họa
Trong phân tích của mình, bên nguyên đơn chỉ đơn thuần nhắc lại sự giảm giá và kìm giá mà không có thêm sự kiểm tra nào về các xu hướng đi xuống về giá cả của các yếu tố khác của thị trường như giảm giá nguyên vật liệu đầu vào để làm rõ các nguyên nhân của sự giảm giá tôn màu.

Ngoài ra, xu hướng giảm giá của các sản phẩm tôn mạ màu tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng giảm giá tương tự của giá nguyên vật liệu. Thép cuộn cán nóng và cuộn cán nguội được báo cáo giảm giá ít nhất 30% trong giai đoạn 2014-2015. Tương tự như vậy, thép mạ kẽm cũng giảm 11% trong năm 2015. Theo đó, xu hướng giảm tương tự của giá tôn mạ màu khoảng 9% như khẳng định bởi các nguyên đơn là hoàn toàn dễ hiểu.

Yếu tố thứ hai cần xem xét là việc mất doanh thu xuất khẩu. Hoạt động bán phá giá của các nhà sản xuất trong nước tại các thị trường xuất khẩu lớn như Malaysia và Thái Lan và việc bị áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận xuất khẩu của họ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra bất kỳ sự suy giảm nào (nếu có) trong doanh thu bán hàng và lợi nhuận của ngành sản xuất trong nước. Các nguyên đơn trong đơn kiến nghị áp dụng tự vệ thừa nhận rằng họ phải chịu thuế chống phá giá hơn 50% theo quyết định của Malaysia.

Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc- một trong những nguyên đơn thừa nhận trong báo cáo hàng năm 2015 của mình rằng doanh thu xuất khẩu năm 2015 giảm hơn 50% so với năm 2014, trong khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN chiếm hơn 85% tổng xuất khẩu của công ty này.Trong bối cảnh như vậy, cần đánh giá một cách nghiêm túc tất cả các nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ của một vài nhà sản xuất trong nước. Cũng có ý kiến nghi ngờ rằng các nhà sản xuất trong nước đang cố gắng tận dụng lợi thế của hệ thống phòng vệ thương mại ở Việt Nam để thu hồi cho mất mát của mình tại các thị trường xuất khẩu được gây ra bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của riêng mình.

Áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ

Nhìn một các tổng thể toàn ngành công nghiệp sản xuất tôn màu, các DNnhỏ cũngphải đối mặt với áp lực canh tranh “không hề nhỏ” với chính những DN lớn trong nước. Khi đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, có thể thấy sự chênh lệch về lợi nhuận và quy mô giữa một sốDN được gọi là “ông lớn” trong ngành và chiếm thị phần lớn với một loạt các DN nhỏ, chiếm thị phần không đáng kể. Các báo cáo tài chính của các “ông lớn” trong ngành đã cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đầy khả quan, vẫn liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của các công ty này trong giai đoạn 2013 đến nay.

Điển hình là các Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim…Các công ty có tình trạng thua lỗ thực sự có lẽ chỉ là DN sản xuất tôn thép với quy mô nhỏ lẻ, không có sức cạnh tranh với các DN lớn, tên tuổi, tồn tại lâu năm trên thị trường. Việc nói ngành sản xuất tôn mạ màu trong nước đang xuống dốc, có lẽ chỉ ám chỉ đến một bộ phận những DN vừa và nhỏ ngày càng mọc lên như nấm, không phù hợp với quy hoạch, công suất thấp, công nghệ kém tiên tiến…

Thiết nghĩ trường hợp thuế tự vệ cao được áp dụng, lượng tôn nhập khẩu giảm thì cơ cấu ngành công nghiệp thép vẫn không có khả quan về sự thay đổi. Các công ty lớn trong ngành sẽ có cơ hội ngày càng phát triển và lớn mạnh, còn các công ty nhỏ với năng lực thấp vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng thua lỗ và áp lực cạnh tranh trong nước với các DN lớn ngày càng khốc liệt.

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ngày 15/11/2016,Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã công nhận rằng, các DN sản xuất tôn thép ở Việt Nam hiện nay còn chưa đa dạng về sản xuất, sản phẩm sản xuất chỉ mới có thể đáp ứng được tôn thép dùng cho mục đích xây dựng. Chính vì tôn thép dùng cho các mục đích chuyên ngành nâng cao khác (như tôn màu để sản xuất đồ gia dụng…) trong nước không sản xuất được, các DN phân phối bắt buộc phải nhập khẩu các sản phẩm tôn màu thay thế trong lĩnh vực đó từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Khi chỉ có khả năng sản xuất tôn thép mạ màu trong lĩnh vực xây dựng và chất lượng chưa đảm bảo, các DN trong nước sẽ bị phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường bất động sản, ngành xây dựng vốndĩ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khi liên tục biến động, bấp bênh.

Giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là, các DN sản xuất tôn mạ màu nhỏ lẻ trong nước bắt buộc phải chủ động hợp tác với nhau, tự nâng cao năng lực sản xuất của bản thân để chiếm lĩnh thị trường. Biện pháp tự vệ dường như không có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực cạnh trạnh của các DN nhỏ, mà hầu như chỉ có tác dụng bảo vệ lợi ích của nhóm các DN lớn.

Như vậy, tình trạng thua lỗ của một số DN nhỏ sản xuất tôn màu trong nước cần phải được nhìn nhận một cách khách quan, tổng thể từ nhiều nguyên nhân, không thể khẳng định có sự gia tăng sản phẩm tôn màu nhập khẩu chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này khi chưa có căn cứ chắc chắn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần