Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp giá sàn vé máy bay: Xô lệch cán cân thị trường hàng không

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về đề xuất áp giá sàn vé máy bay.

Mặc dù lãnh đạo Bộ GTVT đã đăng đàn khẳng định có hành lang pháp lý để thực hiện việc này, nhưng đa số ý kiến vẫn cho rằng đó là một sự can thiệp có thể xô lệch sự cân bằng của thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của hành khách cũng như các DN hàng không.
Áp giá sàn VNA hưởng lợi

Vừa qua, 2 hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT áp giá trần - giá sàn vé máy bay với lý do để kiềm chế tình trạng phát triển nóng của ngành hàng không, tăng chất lượng dịch vụ và tăng thêm lợi nhuận thu về cho các hãng hàng không. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, đại diện VNA cho biết, VNA hiện đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa. Trong đó có 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau. Phía VNA cho rằng, mức doanh thu trung bình có xu hướng giảm qua các năm, do đó cần thiết phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay.
 Đề xuất áp giá sàn vé máy bay đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Ảnh: Internet
VNA cũng đưa ra khung giá xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi, chi phí thiết bị bay. Cụ thể, giá trần sẽ là 4.200.000 đồng/vé còn giá sàn là 1.540.000 đồng/vé. VNA dự kiến trước mắt sẽ tăng 5% so với giá hiện tại và áp dụng giá sàn theo như đề nghị. Nếu thực hiện điều này, ước tính doanh thu VNA sẽ tăng khoảng 2.500 tỷ đồng sau một năm thực hiện.

Cùng với đề xuất của VNA và Jetstar Pacific, Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa mà Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến, đang khiến dư luận xã hội tỏ ra lo ngại.
Người tiêu dùng chịu thiệt

Giới chuyên gia nhận định, đề xuất áp giá sàn vé máy bay, nếu được thông qua sẽ như một thứ vũ khí giết chết tính cạnh tranh của thị trường; và việc này chỉ có tác dụng bảo hộ cho một số DN hàng không mà không hướng tới lợi ích cho người tiêu dùng. Trước đề xuất của VNA và Jestar Pacific, hãng hàng không đã khẳng định thương hiệu của mình bằng vé giá rẻ là Vietjet Air lập tức lên tiếng phản đối đề xuất này. Phía Vietjet Air khẳng định việc áp giá sàn với vé máy bay là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và thông lệ quốc tế. Đại diện Vietjet Air cho rằng, giá cả dịch vụ do quy luật cung cầu quyết định, lựa chọn cuối cùng là hành khách; nếu áp giá sàn sẽ có nguy cơ làm méo mó thị trường và quan trọng nhất là tước đi cơ hội được sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ của nhiều người, đặc biệt là nhóm hành khách có thu nhập thấp.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc áp giá sàn là hạn chế cạnh tranh, hạn chế giá rẻ, rất không có lợi cho người tiêu dùng, Bộ GTVT không nên can thiệp vào giá sàn. Thời gian vừa qua, các hãng hàng không đã cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh. “Hãy để cho họ cạnh tranh, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất. Cạnh tranh chính là đòn bẩy để cải tiến chất lượng, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường” - TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Theo TS Lương Hoài Nam, Phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung “giá trần - giá sàn” trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn. Đến nay, hiếm có nước nào đặt vấn đề quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn. Trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các DN. Cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng “thị trường hóa”, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước.

“Không ở quốc gia nào lại có chuyện quy kết việc bán vé giá rẻ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các hãng hàng không. Trừ khi trong tay cơ quan quản lý có bằng chứng xác thực rằng một chiến dịch bán vé giá rẻ nào đó có mục đích rõ ràng là tiêu diệt đối thủ cạnh tranh cụ thể nào đó”- TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ GTVT diễn ra ngày 7/4, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: “Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm? Công việc của quản lý Nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại đã đúng quy định của pháp luật chưa…”. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về việc này, trên cơ sở đó xin ý kiến Thủ tướng để định hướng và có những chính sách hợp lý.