Monday, 08:44 05/05/2014
Áp giá trần, siết quản lý thị trường sữa
Kinhtedothi - Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra cho thấy 5 doanh nghiệp (DN) sữa lớn lãi khủng. Cùng với đó, Chính phủ đã đồng ý chủ trương áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Tài chính đề xuất.
Nếu so với các hình thức đăng ký giá, kê khai giá…, việc áp giá trần được xem là giải pháp mạnh trước tình trạng giá sữa tăng bất hợp lý hiện nay.
Phải cắt giảm chi phí hợp lý hơn
Thông tin từ Bộ Tài chính, hiện giá bán buôn được các DN có thị phần lớn như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition đăng ký với Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với mức giá trên thị trường tới vài chục ngàn đồng mỗi hộp. Lợi nhuận của các công ty này lên tới từ 23 - 36% trong năm 2013. Thanh tra Bộ Tài chính cũng khẳng định, ngoại trừ Vinamilk, 4/5 DN bị thanh tra đã chi cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị… vượt mức quy định với tổng số tiền là 386 tỷ đồng. Trong khi đó, giá bán buôn đã bao gồm cả chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý. Vì vậy, giá trên thị trường bị đội lên do các chi phí không hợp lý. Bộ Tài chính dự kiến trong tháng 5 sẽ có quy định về giá trần đối với mặt hàng sữa và kỳ vọng các giải pháp áp dụng lần đầu này sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá kịp thời trong thời gian tới. Trong khi đó, một DN sữa bày tỏ, Bộ Tài chính đã áp dụng phương án quản lý cực đoan và đẩy cái khó cho DN. Vì hiện nay, giá sữa nguyên liệu thất thường, không ổn định, nếu áp giá trần đối với nhóm mặt hàng này cần phải có lộ trình để DN chuẩn bị, ví dụ như: Nhập nguyên liệu dự trữ, vay vốn để sản xuất, cân đối các khoản...
Trước bức xúc này của DN, đại diện Bộ Tài chính cho biết, điều kiện hình thành trần giá sữa sẽ được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tính toán để xác định mức hợp lý. Tuy nhiên, sẽ có 2 phương pháp định giá để lựa chọn, gồm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. Trên cơ sở của chi phí như giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, phí, các loại chi phí khác... để đưa ra mức giá trần, đồng thời không để DN lãi lớn đến 20 - 30% và giá sữa chỉ có lên mà không có xuống như năm 2013.
Không chỉ dừng ở kiểm soát giá
Từng đề xuất bỏ cơ chế đăng ký giá, thay bằng kiểm soát giá, song, TS Nguyễn Minh Phong vẫn băn khoăn, việc áp giá trần có chút khó khăn là trên thị trường có khoảng 200 DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu với rất nhiều chủng loại sữa. Nếu thực hiện tính giá trần cho từng sản phẩm thì không xuể và khó khăn cho cơ quan quản lý.
PGS. TS Ngô Trí Long khẳng định, hoàn toàn có thể áp dụng giá trần nếu chứng minh được DN thuộc
nhóm thống lĩnh thị trường: "Bộ Tài chính sẽ nhắm vào các DN có thị phần lớn, đặc biệt là 5 DN nói trên. Ở đây, nhóm 5 DN chiếm tới 90% thị phần thị trường sữa, tức là đã chiếm vị trí thống lĩnh...". Ông Long cho rằng, việc áp giá trần, DN sữa ngoại sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì hiện các đơn vị này chi phí lớn cho hoạt động quảng cáo, marketing, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc người tiêu dùng, đội ngũ bác sĩ hỗ trợ, bán hàng... khiến giá sữa ngoại đẩy lên cao hơn. Nếu áp giá trần, họ phải cắt giảm những khoản này. Trong khi DN sữa trong nước có nhiều đơn vị tham gia bình ổn thị trường đã quen với áp dụng giá thấp, có nhiều kinh nghiệm nên đối mặt sẽ bớt khó khăn hơn.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nếu thực hiện được việc áp giá trần, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn trong vấn đề giá sữa, khi đó không còn lo lắng giá sữa cứ tăng mà không có điểm dừng. Tuy nhiên, nếu đặt giá trần trong khi không có cơ chế khuyến khích, biện pháp kiểm soát tương quan chất lượng - giá cả như hiện nay, có thể khiến các công ty sữa giảm chất lượng mặt hàng, "lách luật" để bảo đảm mức lợi nhuận.
Để can thiệp một cách có hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh, quan trọng nhất là tăng tính minh bạch của thị trường sữa... Bên cạnh đó, khuyến khích hơn nữa sự cạnh tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung dồi dào với giá cả phản ánh sát thực cung và cầu thật trên thị trường. Cạnh tranh hơn cũng có nghĩa là giảm thiểu những tiêu cực của thị trường như cùng bắt tay liên kết lũng đoạn thị trường giữa các nhà cung cấp lớn. Ngoài ra, để giảm đà tăng của giá sữa và bảo vệ một số đối tượng dễ tổn thương (trẻ em con nhà nghèo), một số biện pháp khác cũng hoàn toàn có thể được áp dụng như giảm thuế, trợ giá (có chọn lọc về đối tượng)...
![]() người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị Hapro Hà Nội. Ảnh Trần Việt
|
Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính xử phạt 45 triệu đồng với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam do vi phạm hành chính về giá. Kết quả thanh tra của cơ quan chức năng cũng cho thấy đã phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2013. Tổng số tiền truy thu là hơn 10,2 tỷ đồng. Về việc áp giá trần, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, nếu sau một tháng thực hiện bán theo mức giá đăng ký, giả sử DN thấy doanh số bán hàng sụt giảm thì họ có thể giảm giá và ngược lại. Trên cơ sở giá trần, DN toàn quyền quyết định giá bán của mình và chỉ có trách nhiệm phải đăng ký với cơ quan quản lý giá. |