Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Áp lãi suất gửi USD bằng 0% để hạn chế đầu cơ

Kinhtedothi - Ngày 18/12, lãi suất tiền gửi cá nhân bằng USD tại các ngân hàng chính thức về 0% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Một mũi tên nhằm hai đích

Như vậy, dù là tổ chức hay cá nhân gửi USD vào ngân hàng từ nay đều không được hưởng lãi. Đây là lần thứ hai trong năm 2015, NHNN thay đổi lãi suất huy động ngoại tệ (Lần trước là vào ngày 28/9, với việc hạ lãi suất tiền gửi USD đối với cá nhân từ 0,75% về còn 0,25%/năm và pháp nhân từ 0,25% về 0%). Bên cạnh cân đối cung - cầu thị trường tiền tệ, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD còn được xem như một trong những công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với thời điểm hiện tại. Từ một tuần qua, giá bán USD tại các ngân hàng liên tục chạm trần, trong khi nhu cầu về ngoại tệ trong những tháng cuối năm tăng mạnh, tạo áp lực lớn lên lời hứa giữ tỷ giá của cơ quan điều hành.
Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank.  	Ảnh:  Trần Việt
Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank. Ảnh: Trần Việt
Một chuyên gia tài chính - tiền tệ phân tích, để bình ổn thị trường, thứ nhất, NHNN sẽ dùng nguồn dự trữ ngoại hối để bán USD ra, tăng nguồn cung đủ để cân bằng lực cầu, làm giảm nhiệt trên thị trường ngoại hối. Biện pháp thứ hai là dùng các công cụ hành chính, như quy định lãi suất USD với DN và cá nhân, hoặc quy định chống găm giữ ngoại tệ với mua trước thời điểm thanh toán ngắn (trong vòng 2 ngày). Cách thứ ba là điều chỉnh tỷ giá. Song, NHNN đã tuyên bố là không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến đầu năm sau. Như vậy chỉ có 2 giải pháp trên để thực hiện. “Khi hạ lãi suất tiền gửi USD, NHNN kỳ vọng mức độ hấp dẫn của việc nắm giữ USD sẽ giảm đi tương ứng so với nắm giữ VND, khuyến khích người có tài sản chuyển sang nắm giữ VND nhiều hơn là USD. Việc chuyển đổi danh mục tài sản như vậy sẽ góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD mà NHNN đang cố gắng duy trì ở mức hiện tại cho đến ít nhất đầu năm sau” - chuyên gia này phân tích.

Ngoài mục đích chính là tránh tình trạng đô la hóa trong hệ thống tài chính, ổn định tỷ giá VND/USD, việc NHNN hạ kịch sàn lãi suất USD lần này cũng đồng thời giảm áp lực lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động VND tăng lên.

Ngân hàng mua mạnh ngoại tệ
Giá vàng trong nước ngày 18/12 vẫn chịu ảnh hưởng từ sự tăng giá của USD, giảm ở cả hai chiều mua vào, bán ra. Theo giới kinh doanh, thị trường vàng luôn biến động thất thường, chênh lệch giá lớn, nên các nhà đầu tư sẽ không đổ vào vàng, trừ những người tích lũy theo quan điểm truyền thống để tiết kiệm.

Đầu giờ sáng 18/12, tỷ giá USD được hầu hết các ngân hàng giữ nguyên (riêng VietinBank, Agribank giảm nhẹ giá mua vào). Cụ thể, Vietcombank niêm yết mua vào 22.517 đồng/USD và bán ra 22.547 đồng/USD. BIDV ở mức 22.517 - 22.547 đồng/USD. Eximbank, ACB cùng niêm yết ở mức mua vào - bán ra là 22.497 - 22.547 đồng/USD. VietinBank niêm yết ở mức 22.500 - 22.547 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào so với ngày 17/12. Đại diện một ngân hàng cho hay, lượng ngoại tệ mua vào trong ngày của ngân hàng đã tăng so với những ngày trước đó. Xu hướng trong thời gian tới sẽ có nhiều cá nhân bán USD cho ngân hàng để chuyển qua gửi tiết kiệm VND. Còn tác động đến đâu thì cần thời gian, chờ phản ứng của thị trường.

Đối với nhiều người dân, việc hạ lãi suất khiến tính hấp dẫn của việc gửi đồng USD trong thời gian tới được nhận định sẽ kém đi rất nhiều. Chị Thanh Hằng, ở phố Hàm Long cho biết, thường dùng một phần tiền nhàn rỗi để mua vàng miếng, một phần mua USD gửi ngân hàng. Nhưng trong tình hình hiện nay, lãi suất tiết kiệm bằng USD giảm, chị sẽ cân nhắc chuyển sang gửi bằng VND. Tương tự, bà Nguyễn Kim Thanh, ở Kim Liên có một khoản tiền USD của người thân chuyển từ nước ngoài về vẫn đang gửi ở ngân hàng, nhưng "Nay nghe tin gửi ngân hàng không có lãi suất, tôi sẽ đổi sang VND để được hưởng lãi suất cũng khá cao" - bà Thanh chia sẻ.

Với tâm lý chung đang có sự thay đổi này, nguồn cung VND trong hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng trong thời gian tới, giúp làm giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND, cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, với những cá nhân và tổ chức kinh tế như DN xuất nhập khẩu giữ USD không còn là để kiếm lời mà để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần, thì việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều. Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD đã được NHNN đưa về mức bằng 0%/năm trước đó song tiết kiệm ngoại tệ vẫn tăng trong 11 tháng năm nay.
Cần giải pháp dài hạn
Các biện pháp hành chính thường chỉ mang tính ngắn hạn, NHNN cần cùng các bộ, ngành khác phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó phải kể đến như: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trên thị trường ngoại tệ để ngăn chặn đầu cơ; thu hút mạnh hơn lượng ngoại tệ từ các nguồn, nhất là FDI, ODA, kiều hối, khách quốc tế đến Việt Nam... Đây là biện pháp không chỉ là thu hút nguồn lực mà còn góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh  tế
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu tín dụng hiện nay phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế

Cơ cấu tín dụng hiện nay phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế

03 Jul, 07:47 PM

Kinhtedothi - Chiều 3/7, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc tính đến cuối tháng 5 năm 2025 tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 6,52%, dư nợ toàn nền kinh tế tăng kỷ lục thêm hơn 1 triệu tỷ đồng, lên hơn 16,6 triệu tỷ đồng.

Hà Nội thu hút gần 3,7 tỷ USD FDI trong 6 tháng, gấp 2,2 lần cùng kỳ

Hà Nội thu hút gần 3,7 tỷ USD FDI trong 6 tháng, gấp 2,2 lần cùng kỳ

03 Jul, 06:36 AM

Kinhtedothi- 6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội thu hút 3,677 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024. Kết quả này được đánh giá là khá tích cực trước những tác động bên ngoài căng thẳng địa chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ