Áp lực bán tháo gia tăng, VN-Index lùi sát mốc 1.300 điểm
Kinhtedothi- Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động tuần giao dịch với diễn biến kém tích cực khi sắc đỏ bao trùm ngay từ đầu phiên. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cùng áp lực bán mạnh trong phiên chiều đã đẩy VN-Index giảm 10,6 điểm (0,8%), xuống còn 1.306,86 điểm vào cuối phiên 31/3.
Dòng tiền nội bắt đáy, khối ngoại "xả" mạnh
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 khép lại với diễn biến tiêu cực khi VN-Index giảm mạnh do áp lực bán tháo dồn dập. Đóng cửa, chỉ số mất 10,6 điểm, tương đương 0,8%, xuống 1.306,8 điểm, với 322 mã giảm áp đảo 135 mã tăng.

Thị trường chứng khoán ngày 31/3. Nguồn: Người quan sát
Ngay từ đầu phiên, lệnh bán xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành cao su như GVR, PHR, DPR, TRC, CSM, SRC. Cổ phiếu đầu ngành GVR giảm kịch sàn xuống 32.400 đồng, lấy đi gần 2,4 điểm của VN-Index, trong khi PHR và DPR cũng chung cảnh giảm sàn.
Bước vào phiên chiều, khi lượng cổ phiếu mua vào ở tuần trước về tài khoản, áp lực bán càng gia tăng. Cung vượt xa cầu, khiến VN-Index có thời điểm giảm sâu về sát mốc 1.300 điểm trước khi thu hẹp mức giảm vào cuối phiên.
Việc VN-Index lùi về sát vùng 1.300 điểm đã kích thích dòng tiền nội quay trở lại thị trường. Thanh khoản HoSE hôm nay đạt hơn 21.200 tỷ đồng, tương đương 868 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 22% so với phiên trước.
Nhóm cổ phiếu cao su và phát triển khu công nghiệp trên đất trồng cao su trước đây chịu áp lực xả hàng mạnh sau nhịp tăng hơn 10% trong nửa tháng qua. Cổ phiếu GVR giảm kịch sàn, mất hết biên độ trong trạng thái không có bên mua. Tương tự, DPR và PHR cũng đóng cửa trong sắc xanh lơ. SIP, TRC, CSM, SRC… giảm trên 4,5% so với tham chiếu.
Áp lực chốt lời mạnh ở nhóm này diễn ra trong bối cảnh tâm lý thị trường chung trở nên thận trọng, khiến dòng tiền ngắn hạn rút lui sau đợt tăng mạnh vừa qua.
Không chỉ nhóm cao su, cổ phiếu phân bón cũng bị bán mạnh. DGC của Hóa chất Đức Giang giảm 3,2% xuống 99.600 đồng/cp, thanh khoản lên mức cao nhất từ đầu năm. DCM, DPM và BFC cùng giảm trên 1%.
Nhóm thép cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh khi HPG và HSG lần lượt mất 1,5% và 1,1%, xuống 26.750 đồng và 17.200 đồng/cp.
Nhiều mã đầu ngành trong nhóm chứng khoán như SSI, VND, HCM giảm trên 1%. ORS của Chứng khoán Tiên Phong là điểm sáng hiếm hoi khi lội ngược dòng tăng hơn 2% lên gần 10.000 đồng/cp.
2 nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng và bất động sản ghi nhận sự phân hóa mạnh. Trong nhóm ngân hàng, MSB tăng hơn 3% lên 12.200 đồng/cp, trong khi SHB giảm 2%, tạo ra nhịp nghỉ sau giai đoạn tăng mạnh. VPB, VCB, BID cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Với nhóm bất động sản, NVL, NLG, PDR tăng nhẹ 0,3-0,5% so với tham chiếu, trong khi các mã vốn hóa nhỏ như NBB, DXS, DXG, KHG cùng giảm trên 1,5%.
Xét theo ngành, nhóm hóa chất giảm sâu nhất (-4,88%), tiếp theo là viễn thông (-2,23%), công nghệ (-2,19%) và dầu khí (-1,35%). Các ngành khác như tài nguyên (-1,12%), dịch vụ tài chính (-0,95%), bất động sản (-0,59%) cũng chìm trong sắc đỏ.
Riêng nhóm ngân hàng, mặc dù ghi nhận sự phân hóa nhưng chỉ số ngành vẫn giảm 0,47%, với tổng giá trị giao dịch đạt 3.885 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại lại đi ngược xu hướng khi bán ròng mạnh tay với tổng giá trị 1.363 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại bán ròng 1.282 tỷ đồng, tập trung vào VNM (-166 tỷ đồng), HPG (-136 tỷ đồng), SSI (-106 tỷ đồng), FPT (-106 tỷ đồng) và MSN (-100 tỷ đồng). Ngược lại, VIX được mua ròng 77 tỷ đồng, KBC và VCI lần lượt được mua ròng 49 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Một số mã khác như VHM, HDC cũng thu hút dòng tiền ngoại với giá trị mua ròng 24-27 tỷ đồng mỗi mã.
Cổ phiếu Hoá chất Đức Giang xuống đáy trong ngày Đại hội cổ đông
Sáng 31/3, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là diễn biến giá cổ phiếu. Kết phiên hôm nay 31/3, thị giá DGC giảm xuống còn 99.600 đồng/cp, giảm hơn 20% so với vùng đỉnh 12x tại thời điểm diễn ra đại hội năm 2024.
Trước sự quan tâm của cổ đông, Chủ tịch Đào Hữu Huyền bày tỏ sự đồng cảm và thẳng thắn chia sẻ: "Với cổ đông nhỏ lẻ, tôi xin chia buồn. Nhiều nhà đầu tư cũng mất tiền. Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Lời khuyên chân thành của tôi là có bao nhiêu giữ bấy nhiêu, đừng vội bán cũng đừng mua vào lúc này. Trong 5 năm tới, Đức Giang sẽ mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn." Ông cũng nhấn mạnh rằng dù doanh nghiệp đã nỗ lực, giá cổ phiếu vẫn chưa phản ánh đúng kỳ vọng, đồng thời thừa nhận: "Nhà đầu tư mong chúng ta lãi 4.000 - 5.000 tỷ thì may ra giá cổ phiếu mới tăng. Chúng tôi đã làm hết sức."
Năm 2025, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.385 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 3,4%, còn 3.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn duy trì mức cổ tức 30%, tương đương năm trước. Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến chi 1.200 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong đó khoảng 700 tỷ đồng đã giải ngân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư 50 tỷ đồng để hoàn thiện nhà máy cồn Đắk Nông, 40 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng nhà máy Ắc quy Tia Sáng (Hải Phòng), đồng thời sửa chữa, nâng cấp nhà máy chất tẩy rửa tại Hưng Yên, mở rộng kho Đình Vũ nhằm phục vụ hoạt động nhập khẩu dung môi và tiếp tục nâng cấp dự án Khai trường 25 (Lào Cai).
Trước đó, Hóa chất Đức Giang cũng tiết lộ kế hoạch chốt đối tác chiến lược tiêu thụ 40% sản lượng của siêu dự án 12.000 tỷ đồng, đồng thời đang chờ cấp phép cho dự án bô xít 2,3 tỷ USD.