Nhiều yếu tố đột biến
Hiện có nhiều tín hiệu tốt về đơn hàng của ngành dệt may. Tuy nhiên, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và không lường trước được. Điều đó không thuộc quy luật thị trường, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, sự biến động về giá của nguyên nhiên liệu, lạm phát ở Mỹ, châu Âu cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất trong những tháng vừa qua thực chất là để kìm hãm lạm phát tại Mỹ, tuy tiền lương tại Mỹ tăng, nhưng thực chất sức mua giảm.
Tính hết tháng 6, dệt may ước tính xuất khẩu 22 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 53% so với 2021, tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, nằm trong khung mục tiêu 44 tỷ USD của năm nay, hoàn thành 50% kế hoạch năm. Nếu tính theo mùa vụ thông thường của ngành dệt may, việc 6 tháng hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm, thực chất là vượt kế hoạch.
Trong quý I, II, các ngành hàng hóa nhập khẩu thông dụng của Mỹ đã xuất hiện hiện tượng nhập quá so với mức nhu cầu, thuật ngữ gọi là “quá mua”. Trong 5 tháng đầu năm, Mỹ nhập hàng dệt may tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,6 tỷ USD. Bình thường 1 năm người Mỹ chỉ nhập khẩu 80 - 85 tỷ USD hàng dệt may với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 3%, do đó với mức nhập khẩu như vậy là rất lớn.
Có thể nhìn ra ngay việc “quá mua” đầu năm sẽ dẫn tới giảm mua cuối năm do lạm phát, thậm chí ngay trong quý III này. Những đơn hàng, mặt hàng phổ thông giá rẻ như dệt kim là xu thế của những năm có dịch hiện lại là những mặt hàng đang có sự đình trệ trở lại.
Theo khảo sát tại Mỹ, trong tháng 5/2022, tuy lạm phát cao, giá tất cả mặt hàng cơ bản đều tăng 13 - 14%, hàng dệt may lại dẫn đầu giảm 9%. Điều này chứng tỏ cầu hàng dệt may tại Mỹ đang giảm, trong đó cung đang vượt quá sức mua của cầu, dẫn tới phải giảm giá nhằm đưa hàng hóa ra thị trường.
Cùng với đó, ngành sợi 6 tháng năm 2022 vẫn giữ được tín hiệu tốt với mức tỷ lệ gần như tương đương năm 2021. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ hiệu quả của ngành sợi theo từng tháng thì đang giảm dần, đến tháng 6 quay về ngưỡng chỉ còn 5%/doanh thu, chứ không phải 12% lợi nhuận/doanh thu như năm trước.
Đồng thời, chỉ trong tháng 6, nếu như thời kỳ trước 1 pound bông giá chỉ 80 - 85 cent, đến đầu năm 2022 đã tăng lên 145 cent. Nhưng trong ngày 17/6 vừa qua, giá bông đã giảm 40%, ở mức 99 cent/pound, so với lúc đỉnh hôm 10/6 là 150 cent/pound.
Khó nhất về nguyên liệu
Biến động về giá nguyên liệu có thể nhìn trước được tương lai không xán lạn với dệt may, vì khách hàng thường căn cứ vào giá nguyên liệu thời điểm đó, chứ không căn cứ vào giá nguyên liệu đã mua. Hiện ngành may đơn hàng tương đối ổn đến hết quý IV. Cái khó nhất của ngành không phải là đơn hàng, mà nằm ở giá nguyên liệu trên thị trường thay đổi hàng ngày.
Nguyên liệu đang biến động, lên hoặc xuống cùng với giá dầu trên thế giới. Khi không kiểm soát được chu kỳ lên xuống, mức độ biến động của thị trường quá nhanh, các DN cũng chỉ có giải pháp là mua nguyên liệu đủ dùng, không mua những lô lớn, quá dài.
Bên cạnh đó, số liệu cho thấy, tuy nước Mỹ nhập khẩu 40% tăng lên trong quý I, II, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ tăng có 26%, trong khi các quốc gia như Bangladesh, Pakistan… đều tăng hơn 40%. Thị phần của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 19,3% xuống 18,6%, mặc dù vẫn đứng thứ hai, nhưng những yếu tố đó nhìn thấy rõ áp lực lên DN Việt Nam.
Với đà tỷ giá tăng trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, tỷ giá tiền tệ giữa VNĐ lại cao so với USD, vì vậy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu thế đắt hơn so với các quốc gia khác.
Ngoài ra, có rất nhiều chính sách phi thuế quan mới đặt ra, điều này sẽ không ảnh hưởng ngay. Nhưng các DN cần có sự chuẩn bị khi các chính sách đó có hiệu lực tại châu Âu, Mỹ, bao gồm những yếu tố như: Sản xuất xanh, hàng hóa tái chế, tuần hoàn…
Cần hành lang pháp lý
Hiện giá của Việt Nam không phải là lợi thế để cạnh tranh, nhưng thị trường dệt may thế giới vẫn cạnh tranh bằng giá nên chúng ta đánh mất đi ưu thế, do vậy phải có những lợi thế khác để bù đắp vào.
Một trong những yếu tố bù vào đó là khả năng cung ứng trọn gói, thay vì các DN chỉ làm một khâu may. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải sản xuất được cả sợi, vải và may. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng cần tiên phong làm những sản phẩm xanh, tái chế và định hướng tới là tuần hoàn.
Tại châu Âu và các nước đều đánh giá, hàng hóa dệt may là một trong các nguồn rác thải rắn lớn nhất trên thế giới, sau khi sử dụng xong, không tái chế, không tuần hoàn được và trở thành rác chung của toàn cầu. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho Việt Nam.
Việc đi sau, đi chậm sẽ giúp ngành dệt may của Việt Nam có thể lựa chọn đi tắt, đón đầu, định hướng các sản phẩm tuần hoàn, qua đó xây dựng vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng. Yêu cầu về nền kinh tế tuần hoàn càng tác động lớn hơn, hướng tới 2050 là rác thải cân bằng, với Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 giảm thiểu 30% khí thải metan, các DN dệt may cần bám sát theo lộ trình quốc gia đó để cam kết thúc đẩy.
Tuy nhiên, đối với DN, sức ép của thị trường, sức ép của cạnh tranh là yếu tố tiên quyết. Các DN xuất khẩu như ngành dệt may, cần xác định con đường cạnh tranh không phải là đi vận động hỗ trợ, nhưng rất cần các hành lang pháp lý. Với các DN sản xuất theo hướng xanh, thực hiện theo các cam kết của Việt Nam đối với thế giới về môi trường, cần được hưởng những chế độ chính sách về quỹ đất, hay được ưu tiên lựa chọn vị trí quy hoạch nhà máy.
Việt Nam cũng cần có những quỹ tài chính về môi trường để các DN làm theo hướng xanh có thể tiếp cận. Từ đó giúp DN có nguồn tài chính thuận lợi hơn, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư cho hệ thống sản xuất xanh.
Nhiệm vụ những tháng cuối năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng, không thua lỗ để giữ vững kết quả trong quý I, II. Việc hoàn thành bao nhiêu tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chỉ là tiêu chí mang tính định hướng. Tất nhiên, dù điều kiện không mấy thuận lợi, chỉ tiêu xuất khẩu 42 - 43 tỷ, thậm chí đến 44 tỷ USD của năm nay đối với dệt may vẫn nằm trong diện khả thi. Chúng ta vẫn có thể hy vọng, nhưng cần kiểm soát chặt tình hình để đảm bảo hiệu quả và đạt được kết quả như dự báo.
Xanh hóa của dệt may Việt Nam có ba yếu tố cơ bản: Thứ nhất, năng lượng xanh là quá trình các DN nỗ lực để tự cân bằng lượng điện tiêu dùng của mình; Thứ hai, dùng nguyên liệu sạch từ hóa chất, thuốc nhuộm, đến nguồn nguyên liệu như bông, xơ… giúp các sản phẩm của dệt may được truy xuất là sản phẩm xanh; Thứ ba, môi trường lao động xanh, đảm bảo cho người lao động môi trường làm việc đạt những tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hệ thống các đối tác trên thế giới theo từng chu kỳ.