Đón trước những biến động
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD thêm 10 VND. Theo đó, tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD hiện đã ở mức 20.708 VND. Đây là lần điều chỉnh tỉ giá USD/VND thứ 6 từ đầu tháng 10 đến nay, khiến tỉ giá tăng 50 VND/USD, tương ứng với mức tăng 0,24%. Và là lần điều chỉnh tỉ giá liên tục sau ngày 11/2/2011. Tuy mức 0,24% không quá lớn và nằm trong định hướng nếu điều chỉnh đến cuối năm không quá 1%, nhưng đà tăng liên tiếp những ngày qua cho thấy áp lực đối với tỉ giá USD/VND đang lớn dần.
Việc điều chỉnh đó của Ngân hàng Nhà nước cũng gắn với định hướng điều hành đưa ra thời gian qua là linh hoạt, phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường ngoại hối, thay vì tình trạng "ngủ đông" kéo dài trong năm ngoái. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước mở giải pháp để các ngân hàng tăng cường bán vàng ra bình ổn thị trường cũng gây áp lực nhất định đối với cầu ngoại tệ mua vàng cân đối ở tài khoản ở nước ngoài. Lượng vàng bán ra bình ổn những ngày qua đã lên tới khoảng 10 tấn. Tại các ngân hàng thương mại, bám sát diễn biến của tỉ giá bình quân liên ngân hàng, giá USD mua vào - bán ra sáng nay cũng tiếp tục áp sát trần. Giá USD bán ra tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức kịch trần 20.885 VND, trong khi giá mua vào vẫn ở cách một mức hẹp với 20.880 VND. Thậm chí, trong ngày cuối tuần, giá mua vào chuyển khoản tại Ngân hàng Á châu (ACB) đã lên tới 20.893 VND, tức chỉ cách trần có 2 VND - khoảng cách ít thấy kể từ thời điểm tháng 2/2011.
Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh tỉ giá là một giải pháp để kiềm chế tăng tín dụng ngoại tệ nhanh trong thời gian qua. Thông thường, vào cuối năm tài chính, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ tăng hơn hẳn thời gian khác để thanh toán các hợp đồng xuất, nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng nhiều là một áp lực lớn đến điều chỉnh chính sách tín dụng. Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm để doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Trong giai đoạn này, cơ quan quản lý Nhà nước thường phải điều chỉnh tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Đây là giải pháp để giữ ổn định thị trường ngoại hối, dù hiện chưa có biến động đặc biệt.
Nhiều thuận lợi, không ít thách thức
Cũng có lo ngại là việc điều chỉnh liên tục USD/VND trong thời gian qua khiến dư địa cho chính sách tỉ giá không còn nhiều. Bởi, do từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu điều chỉnh tỉ giá trong năm 2011 không quá 1%. Qua 6 lần điều chỉnh vừa qua, tỉ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng khoảng 0,3% so với đầu năm. Vì vậy, cơ quan quản lý sẽ chỉ còn khoảng 0,7% để điều chỉnh trong cuối năm. Tuy nhiên, khoảng trống để điều chỉnh này dường như không tương xứng với yêu cầu cân đối những tháng cuối năm, chưa kể những biến đổi trên thị trường thế giới tác động đến tỉ giá. Khi công cụ kiềm chế tăng tỉ giá không nhiều, nhưng sức ép của thanh toán cuối năm không thay đổi, thì có thể giá trị VND sẽ tăng so với ngoại tệ.
Tuy nhiên, việc ổn định tỉ giá hiện có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với đầu năm. Nguyên nhân do cán cân tổng thể đang ở mức thặng dư; nhập siêu được kiềm chế tốt; sức hút của giá vàng đã khiến nhu cầu nắm giữ, đầu tư ngoại tệ giảm hơn so với thường lệ. Song, khi mức điều chỉnh tỉ giá trong những ngày cuối năm tài chính không còn nhiều sẽ tạo áp lực đối với ngoại hối. Một số ý kiến cho rằng, điều hành tỉ giá trong cuối năm sẽ như lò xo bị nén, và buộc phải giải phóng ngay từ đầu năm 2012. Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Ngân hàng ANZ, VND sẽ tiếp tục giảm giá từ 3 - 4% trước khi kết thúc quí I/2012. Nhưng đây là khả năng còn bỏ ngỏ, vì phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế trong thời gian tới.