Áp lực giá điện tăng cao: Vật liệu xây dựng lâm cảnh sản xuất cầm chừng
Kinhtedothi - Từ ngày 10/5, giá điện bán lẻ bình quân tại Việt Nam chính thức tăng thêm 4,8%, lên mức hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Đây là lần điều chỉnh thứ tư chỉ trong vòng một năm qua, tạo sức ép lên các ngành sản xuất, trong đó ngành vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Giá điện tiếp tục tăng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng thêm áp lực giữa bão chi phí.
Sản xuất cầm chừng
Ngành vật liệu xây dựng, bao gồm các mặt hàng như xi măng, thép, kính, gạch – vốn là những ngành tiêu thụ điện năng lớn với tỷ trọng chi phí điện chiếm từ 15 - 25% trong giá thành sản phẩm. Mỗi lần giá điện tăng, chi phí đầu vào của doanh nghiệp lập tức tăng lên, chưa kể các chi phí nguyên liệu, than, xăng dầu và logistics cũng đang có xu hướng tăng theo. Trong bối cảnh chi phí nguyên liệu và lãi vay đồng loạt tăng, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng không còn nhiều công cụ để cân đối hiệu quả tài chính.
Áp lực từ lãi suất vay vốn ngày càng tăng cũng khiến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp càng eo hẹp. Nhiều doanh nghiệp phải chọn cách hoãn đầu tư, cắt giảm sản xuất hoặc tìm mọi cách giảm chi phí vận hành nhằm duy trì dòng tiền. Thậm chí, một số đơn vị nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng vốn có chu kỳ kinh doanh dài hạn và vốn đầu tư lớn. Khi giá điện tăng liên tục, các dự án đầu tư mới bị đẩy lùi hoặc phải tái cấu trúc vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu ngày càng lớn.
Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp đáng kể, dẫn đến giảm khả năng tái đầu tư, hạn chế phát triển công nghệ mới, và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cũng như giữ chân lao động có tay nghề. Điều này làm tăng rủi ro mất cân đối tài chính và giảm sức chống chịu của doanh nghiệp trước những biến động thị trường khác như biến động nguyên liệu đầu vào hay thay đổi chính sách.
Ông Trần Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nội thất tháng 5 chia sẻ, chỉ riêng chi phí điện đã tăng hơn 3 tỷ đồng mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp buộc phải giảm công suất một số dây chuyền để hạn chế tổn thất, đồng thời trì hoãn các kế hoạch nâng cấp công nghệ nhằm tiết kiệm điện. "Nếu giá điện tiếp tục tăng, chúng tôi có thể sẽ phải xem xét việc cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa một phần nhà máy” - ông Thanh cho hay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan – chủ doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát cho biết: “Với quy mô nhỏ, doanh nghiệp chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ chi phí điện và nguyên liệu. Việc tăng giá điện đẩy chi phí sản xuất lên cao, trong khi thị trường không cho phép tăng giá bán. Chúng tôi đang phải cầm chừng, tập trung tiết kiệm tối đa mọi khoản chi phí và hy vọng có chính sách hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.”
Còn những ngành chủ lực, như xi măng, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện chiếm khoảng 15% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng và con số này có thể tăng lên 17% sau đợt điều chỉnh giá điện vừa rồi. Sản xuất clinker là khâu tiêu tốn điện năng nhất, hiện đang trở thành “tâm điểm đau đầu” của các doanh nghiệp xi măng.
Bối cảnh càng trở nên thách thức hơn khi giá các nguyên liệu đầu vào khác như than, xăng dầu và chi phí vận tải vẫn neo cao. Điều này khiến các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm cách tiết giảm chi phí, nếu không muốn tiếp tục bào mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng.
Thị trường chưa sẵn sàng
Trong báo cáo nhận định về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 5, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá rằng động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang dịch chuyển từ ngoại lực (xuất khẩu, đầu tư nước ngoài) sang nội lực, chủ yếu là tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Tuy nhiên, dư địa của chính sách tiền tệ hiện không còn nhiều, trong khi chính sách tài khóa cần thêm thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế.
Các ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn như xi măng, thép, hóa chất và giấy có thể bị ảnh hưởng do chi phí điện chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm. Việc tăng giá điện sẽ khiến giá vốn hàng bán tăng, ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.
Thị trường vật liệu xây dựng đang ảm đạm do nhu cầu xây dựng sụt giảm từ cuối năm 2022 đến nay. Giá bán nhiều sản phẩm như xi măng, gạch, thép, kính vẫn duy trì ở mức thấp để kích cầu, khiến doanh nghiệp khó có thể đẩy giá lên để bù đắp chi phí điện tăng.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát nói: “Nếu tăng giá, khách hàng sẽ bỏ đi. Nếu không tăng, chúng tôi phải chịu lỗ kéo dài. Đây là thế kẹt mà rất nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đang gặp phải”.
Trước tình hình trên, vị này kiến nghị cần có lộ trình điều chỉnh giá điện minh bạch, rõ ràng, thông báo trước ít nhất 3 - 6 tháng để có thời gian chuẩn bị kế hoạch sản xuất và quản lý tài chính. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nên được thiết kế theo từng nhóm cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, nhiều nhà máy nhỏ sẽ buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng một phần dây chuyền để hạn chế lỗ. Trong khi đó, các giải pháp chuyển đổi công nghệ như đầu tư động cơ tiết kiệm điện, tận dụng nhiệt thải hay áp dụng hệ thống điều khiển tự động đều đòi hỏi vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài. Đây là bài toán nan giải, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang chịu áp lực lãi suất cao và dòng tiền eo hẹp. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, nguy cơ bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng và thị trường nội địa là điều hiện hữu.
“Việc tăng giá điện là điều tất yếu trong bối cảnh chi phí đầu vào năng lượng toàn cầu leo thang, nhưng cần có lộ trình và chính sách đồng bộ nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng, đặc biệt là các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như vật liệu xây dựng. Chính phủ nên xem xét các gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời khuyến khích đầu tư công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng” - ông Lê Sơn Tùng cho hay.

Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động rút ngắn kỳ điều chỉnh giá điện
Kinhtedothi - Điều chỉnh rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện; phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lân thương mại sẽ thế nào sau sắp xếp lại bộ máy hoạt động của quản lý thị trường... là những vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Công Thương.

Tăng giá điện lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5
Kinhtedothi - Dự kiến, ngày 10/5 chính thức điều chỉnh tăng giá điện từ 2.103,11 đồng/kWh lên 2.204,06 đồng/kWh. Đó là thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tại buổi họp báo chiều 9/5 về công tác điều hành đảm bảo điện.

Người dân phải trả thêm đến hơn 65.000 đồng/hộ/tháng khi giá điện tăng
Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.204,06 đồng/kwh, tăng 4,8% so với trước đó (chưa gồm VAT). Mức giá điều chỉnh này có hiệu lực từ 10/5.