Áp lực lạm phát đang tăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ có sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... tăng giá trong tháng 5 mà một loạt phí dịch vụ logictis... cũng tăng gây áp lực lên lạm phát.

Giá xăng dầu, vật liệu, dịch vụ giao thông tăng cao kéo CPI tăng trong tháng 5. Ảnh: Thanh Hải
Xăng dầu, nguyên vật liệu tăng kéo CPI tháng 5 tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 vừa được Tổng Cục Thống kê công bố tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,16% so với tháng trước. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá xăng dầu, vật liệu, dịch vụ giao thông tăng cao. Hiện giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Trong tháng 5, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, 3 nhóm giảm giá so với tháng 4 năm nay. Nhóm tăng giá gồm nhóm giao thông tăng 0,76% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu, trong đó, so với tháng trước xăng E5 tăng 440 đồng/lít, xăng A95 tăng 370 đồng/lít, dầu diezel tăng 450 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước do giá nguyên liệu tăng cao trên thị trường thế giới và nhu cầu xây dựng trong nước tăng cao. Cụ thể giá sản xuất sản phẩm gang, sắt, thép tháng 5 tăng 4,83%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại như đồ uống, thuốc lá, nhà ở, thiết bị đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giá vàng… trong tháng 5 đều tăng so với tháng 4. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm trước, nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24%, ảnh hưởng lớn tới việc tăng chỉ số lạm phát tháng 5.

Rủi ro tiềm ẩn

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2021 dự báo tăng khá mạnh (có thể ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020), áp lực lạm phát Việt Nam cũng đã nhen nhóm. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng tạo ra áp lực lạm phát cho Việt Nam do Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc, vật tư, phụ liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Tính từ đầu năm đến nay, các hãng cung cấp thức ăn chăn nuôi đã có cả chục thông báo tăng giá, trung bình mức tăng mỗi lần từ 300 - 400 đồng/kg. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng cao nhất đến 30% và dự báo tiếp tục tăng trong quý II. Còn theo tính toán thực tế của các đại lý, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng đến 35 - 40%. Riêng vật liệu xây dựng đã trải qua một cơn bão tăng giá với sắt thép tăng hơn 40% chỉ trong một thời gian ngắn. Các loại khác như xi măng, cát, bao bì... cũng tăng vọt, đẩy một loạt nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản.

Bên cạnh đó, chi phí logistics còn cao. Theo Công ty Armstrong & Associates, chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN và gấp 1,3 - 1,5 lần trung bình thế giới, khiến tác động từ tăng chi phí logistics đến tăng giá hàng hóa và lạm phát của Việt Nam là khó tránh khỏi.

Về yếu tố tiền tệ, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để phục hồi kinh tế, chính phủ các nước cũng như Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng qua việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ tiền cho người dân bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ nên cũng tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Trong khi vòng quay tiền chậm lại song “đường đi” của tiền lại phức tạp hơn. “Dòng tiền rẻ” có cơ hội chảy vào bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số… trở thành một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt, tăng nóng của các thị trường này thời gian qua.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, đây chưa phải là điểm khởi đầu của khuynh hướng tăng lạm phát liên tục do sức mua còn yếu nên mức độ tăng đang tạm thời được kìm hãm. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, kể từ năm 2016 đến nay.

Văn phòng Chính phủ mới đây phát thông báo yêu cầu tìm hiểu chặn đường tăng giá sắt thép, ưu tiên sắt thép cho thị trường nội địa và giữ bình ổn giá xăng dầu... Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19; trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng. “Với kinh nghiệm điều hành giá trong thời gian vừa qua của các bộ, ngành và sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, tôi tin rằng, mục tiêu lạm phát 4% có thể thực hiện được, nhưng không được lơ là bởi có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn tác động lên lạm phát”- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Vũ Thị Oanh chia sẻ.
Trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, trong tháng 5/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2021 nhập siêu 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần