Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực lạm phát với châu Á

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và giá dầu, giá lương thực tăng cao, châu Á được cho đang trải qua một làn sóng lạm phát ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và nền kinh tế nói chung.

Đà tăng đáng lo ngại

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Áp lực lạm phát ở nhiều nền kinh tế châu Á đã tăng lên trong nửa đầu năm nay do giá dầu, khí đốt tự nhiên và than trên thế giới tăng cao, cũng như giá nông sản cao hơn”. Ông lưu ý, tốc độ lạm phát đang diễn ra rất khác nhau trên khắp châu Á.

Giá xăng niêm yết tại một trạm nhiên liệu ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 6/2022. Ảnh: Yonhap.
Giá xăng niêm yết tại một trạm nhiên liệu ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 6/2022. Ảnh: Yonhap.

Ngày 21/6, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết lạm phát tại Hàn Quốc trong năm nay có thể sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Seoul, giá tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi cũng tăng mạnh, điển hình là giá thịt lợn tăng 20,7%, trong khi thịt bò nhập khẩu có giá cao hơn 27,9%.

Tại Thái Lan, lạm phát dự kiến sẽ tăng từ 4,9% lên 5,9% trong năm nay, mức cao nhất trong 24 năm - theo Ngân hàng Thương mại Siam. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit ngày 16/6 cho biết nước này sẽ “đóng băng” giá 46 mặt hàng, bao gồm mì gói, dầu thực vật và đồ hộp, trong 12 tháng tới. Còn Theo Cục Thống kê Lào, lạm phát cả năm ở Lào đã tăng lên 12,8% vào tháng trước - mức cao nhất trong 18 năm qua - với việc giá nhiên liệu tăng 92,6%, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và sinh hoạt.

Tuy nhiên, nhìn chung, áp lực lạm phát của Chỉ số giá tiêu dùng ở châu Á vẫn ở mức trung bình so với ở Mỹ và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). “Điều này là do Trung Quốc và Nhật Bản, với tỷ lệ lạm phát lần lượt là 2,1% vào tháng 5 và 2,4% vào tháng 4, chiếm khoảng 70% tổng quy mô kinh tế của châu Á” - chuyên gia Biswas giải thích.

Lawrence Loh, Giám đốc Trung tâm Quản trị và Bền vững tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, mặc dù mức lạm phát ở châu Á không quá cao so với ở châu Âu hay Mỹ, “nhưng tất nhiên đó vẫn là điều đáng quan tâm về mặt chính sách, cũng là mối bận tâm của các doanh nghiệp”.

Ông cho rằng có 2 nhóm yếu tố chi phí đang thúc đẩy lạm phát tại châu lục: Thứ nhất, giá cả nhiều mặt hàng và nguyên vật liệu đã tăng, đặc biệt là sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Thứ hai, tiền lương ở nhiều nền kinh tế đã tăng đáng kể do sự phục hồi từ đại dịch Covid-19.

“Tôi nghĩ đây là một tình huống khá trớ trêu. Nhu cầu nhân lực tăng lên đột ngột ở châu Á, nhưng nhiều người đã không chuẩn bị cho sự phục hồi nhanh chóng này, và điều đó dẫn đến việc tăng lương” - ông Loh nói. Và vì không ít hàng hóa ở châu Á được nhập khẩu từ Mỹ, vị chuyên gia người Singapore nói rằng điều này có thể được gọi là “lạm phát liên quan đến nhập khẩu”.

“Trong một thời gian, giá cả đã tăng lên khá nhiều ở Mỹ và châu Âu, vì vậy khi chúng ta nhập khẩu những thứ từ những nơi đó, nó sẽ làm tăng thêm áp lực về giá của đất nước mình” - ông Loh giải thích.

Chịu tác động từ Fed

Vào ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm - lần tăng thứ 3 trong năm nay và là lần tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Tỷ lệ này dự kiến sẽ ở mức 3,4% vào cuối năm nay, có thể tăng lên 3,8% vào năm tới, ở mức 3,4% vào năm 2024 và 2,5% trong dài hạn. Đáng nói, các chuyên gia hầu hết đồng tình, đợt tăng lãi suất gần đây của Fed có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát tại châu Á.

Theo chuyên gia Lawrence Loh, trong khi động thái của Fed là nhằm giảm áp lực cầu của lạm phát, nó cũng hoạt động theo chiều ngược lại, bởi việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. “Bởi vì lãi suất của Mỹ là tiêu chuẩn cho phần lớn thế giới, nên nếu nó tăng, mọi quốc gia sẽ tuân theo” - ông Loh nói, nhấn mạnh rằng hành động như vậy dẫn đến chi phí tài chính cao hơn.

Tại Philippines, ngân hàng trung ương của quốc gia này dự kiến tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp thứ hai liên tiếp trong tháng này. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Indonesia được cho vẫn duy trì tỷ lệ hiện tại là 3,5%, nhưng hơn 1/4 nhà kinh tế được Reuters thăm dò tin rằng lãi suất sẽ được nâng lên trong quý tới, một khi Fed của Mỹ thắt chặt hơn nữa.

Chuyên gia Biswas của S&P Global Market Intelligence thì cho rằng, lãi suất Mỹ tăng đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới, khi các nhà đầu tư chuyển sang các công cụ có thu nhập cố định bằng đồng USD.

“Lãi suất cao hơn của Mỹ đối với các khoản cho vay mua nhà, mua ô tô và tài chính tiêu dùng cũng đang tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, với dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ ở mức vừa phải: từ 2,5% năm 2022 xuống 1,8% vào năm 2023” - ông nói - “Kinh tế Mỹ dự kiến giảm tốc do lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ khiến nhu cầu hàng xuất khẩu của Mỹ ở châu Á chậm hơn vào năm 2023”.

Park Chong Hoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc, nêu quan điểm: “Theo quan điểm của chúng tôi, lạm phát gia tăng sẽ tác động đặc biệt đến khu vực thu nhập thấp, vì nó sẽ làm giảm thu nhập thực tế. Nó cũng sẽ tạo gánh nặng cho người già”. Trong khi đó, tại Thái Lan, Pavida Pananond - giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat thuộc Đại học Thammasat - cho biết quốc gia này đang phải hứng chịu nhiều “đòn đau” hơn vì lạm phát gia tăng, và điều đó không giúp gì cho một Thái Lan “vốn đã nằm trong số các nền kinh tế phát triển chậm nhất ở Đông Nam Á”.

Bà nói: “Tỷ lệ lạm phát cao sẽ khiến cuộc sống của những người có thu nhập thấp trở nên khó khăn hơn, làm trầm trọng thêm nỗi đau từ 2 năm thu nhập bị mất hoặc giảm sút do đại dịch gây ra, bên cạnh các hạn chế kinh tế khác”. Là một quốc gia hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, “Thái Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất song song với Mỹ và phần còn lại của thế giới” - bà Pavida nói.

Cũng theo chuyên gia Pavida, đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed đã làm gia tăng áp lực lên ngân hàng trung ương Thái Lan, bởi vì việc nới rộng tỷ giá hối đoái sẽ gây ra nguy cơ dòng vốn chảy ra từ Thái Lan nhiều hơn, dẫn đến đồng baht - đồng tiền của Thái Lan - sẽ mất giá hơn nữa. Rõ ràng, tỷ giá USD tăng là một yếu tố khác đang thúc đẩy lạm phát ở châu Á.

Syed Shujaat Ahmed, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Phát triển Bền vững, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Islamabad của Pakistan - quốc gia châu Á hiện đang nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - cảnh báo: “Tỷ giá USD tăng đồng nghĩa với lạm phát cao hơn, vì nhiều mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm thiết yếu đến nhiên liệu, và thậm chí cả nguyên liệu thô cho xuất khẩu của Pakistan đều phải nhập khẩu. Với tỷ giá hối đoái tăng, giá này trên thị trường địa phương sẽ tăng cao”.

Tại Sri Lanka - quốc đảo Nam Á đang là điểm nóng của vấn đề thiếu lương thực, nhiên liệu và điện, khi Thủ tướng nước này công khai thừa nhận rằng nền kinh tế quốc gia “đã hoàn sụp đổ” - có 3 lý do nội tại được cho là nguyên nhân của lạm phát gia tăng.

Sirimal Abeyratne, giáo sư kinh tế tại Đại học Colombo ở Sri Lanka, nói: “3 lý do đó là: Đồng rupee Sri Lanka sụt giảm sâu so với các đồng tiền quốc tế; sự thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản; và sự gia tăng đáng kể nguồn tiền ở Sri Lanka trong 2 năm qua, bao gồm cả việc in thêm tiền”.