Áp lực mùa thi - đừng để trẻ bị stress

Giang Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này đang là giai đoạn nước rút của kỳ thi THPT sắp tới, học sinh đang căng mình ôn luyện khiến cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược, dễ bị stress.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các em cần cân đối thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, chú ý đến vấn đề đảm bảo dinh dưỡng.
Rối loạn tâm thần vì học hành, thi cử
TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, áp lực học và thi cử khiến học sinh căng thẳng và ngày càng bị stress nhiều hơn. TS Tâm đã từng gặp và điều trị cho những học sinh giỏi, học trường chuyên nhưng mỗi mùa thi đến lại bị stress bởi học hành căng thẳng.
Viện đã từng tiếp nhận một nữ học sinh lớp 12, học một trường chuyên ở Hà Nội thường xuyên có các biểu hiện bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần nên phụ huynh đã đưa con đến khám.
 Ảnh minh họa.
Bệnh nhân được xác định bệnh lý rối loạn tâm thần có liên quan đến stress do áp lực học tập căng thẳng; tuy nhiên bệnh nhân mới chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ nên chủ yếu được tư vấn tâm lý và điều trị ngoại trú.
Hay cũng có trường hợp bệnh nhân còn có biểu hiện suy nghĩ bi quan, không muốn thi, thậm chí muốn bỏ thi khiến phụ huynh hết sức lo lắng phải đưa đến khám sức khỏe tâm thần. Mới đây, có một trường hợp học sinh cấp 2, giỏi nhiều năm liền, điểm tổng kết trung bình ở các lớp 6, 7, 8 luôn trong khoảng 9,2 đến 9,8. Không ai nghĩ, lên lớp 9, tính cách cháu có nhiều thay đổi. Á
p lực và nỗi lo thi vào trường chuyên đã khiến cháu có biểu hiện stress, hay lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, cảm giác khó thở... Cháu được gia đình đưa đi khám chuyên khoa tâm thần, may mắn được phát hiện sớm, biểu hiện rối loạn lo âu ở thể nhẹ, nên sau một thời gian trị liệu, sức khỏe cháu tiến triển tốt.
Theo TS Tâm, trước đây viện hay điều trị cho học sinh bị stress trước kỳ thi đại học và sau đại học do rối loạn phân ly, sợ trượt, xấu hổ do không thi đỗ. Nhưng nay đã khác, độ tuổi bị stress đã sớm hơn, nhiều cháu cấp 2 đã mắc, hoặc lớp 10, lớp 11. Trường hợp hay gặp nhất là các cháu than phiền mất phương hướng.
Có thể nói, trẻ ngày nay bị động nhiều, chạy theo kế hoạch của bố mẹ, nhà trường đặt ra. Điều này đã vô tình gây áp lực tâm lý cho trẻ. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lựa chọn trường để học cũng dễ gây stress cho trẻ. Thậm chí, quan hệ mâu thuẫn với bạn bè, nhà trường, cha mẹ dẫn tới xung đột cá nhân, gây ra rối loạn cảm xúc, hành vi, dẫn tới trẻ bị trầm cảm, nhiều trường hợp stress nặng, rất khó điều trị.
Phát hiện sớm, tư vấn kịp thời
TS Tâm cho biết, việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tâm thần giúp các em được tư vấn kịp thời, có chế độ học tập sinh hoạt hợp lý để đảm bảo sức khỏe và tâm lý tham gia tốt các kỳ thi. Đặc biệt, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện bất thường của con.
Khi thấy con có dấu hiệu lạ như ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, ăn uống thất thường, dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, bất lực, tập trung kém, mệt mỏi..., phụ huynh cần theo dõi sát sao và đưa đi khám kịp thời. Về phía thầy cô giáo, nếu thấy các em có biểu hiện bất thường khi tiếp xúc hàng ngày cũng cần thông báo ngay cho gia đình.
“Các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái mà cần quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập, sức khỏe của con. Cần có sự thỏa thuận, xác định đúng năng lực của con để đặt mục tiêu phù hợp theo hướng khuyến khích là chính. Bên cạnh quan tâm đến tinh thần, cha mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để các sĩ tử có đủ sức khỏe vượt qua kỳ thi tốt nhất”- TS Tâm khuyến cáo.
Thời điểm này đang là giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi, để hỗ trợ sức khỏe cho con, nhiều phụ huynh đã tìm mua các loại thuốc bổ não tăng cường trí nhớ con sử dụng. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc bổ não luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Thực tế, một số loại thuốc hoàn toàn không có chức năng bổ não như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà thực chất là thuốc kích thích làm tăng hoạt động của não khiến người dùng cảm thấy hưng phấn khi sử dụng. Nhưng nếu sử dụng liên tục và không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thì người dùng rất dễ bị lệ thuộc vào thuốc, dùng kéo dài sẽ gây hội chứng tâm thần rối loạn tập trung.
Theo TS Tâm, để giảm áp lực, giảm stress đối với trí não, cũng như bảo vệ sức khỏe trong mùa thi, biện pháp quan trọng nhất vẫn là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là vào bữa sáng, uống nhiều nước, ăn nhiều loại hoa quả, trái cây tự nhiên. Cố gắng tranh thủ và dành ra thời gian hợp lý để có thể ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.