Áp lực nặng nề đối với Thủ tướng Hy Lạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự "xuống nước" của Thủ tướng Tsipras với các chủ nợ và trì hoãn những cam kết chủ chốt khi tranh cử khiến một bộ phận cử tri Hy Lạp thất vọng.

Hôm nay (28/2) là ngày gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp đáng lẽ hết hiệu lực nếu như trước đó các đối tác quốc tế không gia hạn thêm 4 tháng để Athens hoàn tất những cải cách đã cam kết.

Để đổi lấy thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ này, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã nhượng bộ đến mức phải trì hoãn những cam kết chủ chốt trước khi tranh cử và điều đó khiến một bộ phận cử tri tỏ ra thất vọng.

Đến nay Hy Lạp đã nhận 2 gói cứu trợ với tổng số tiền lên tới 240 tỷ euro. Trong 4 tháng tới, Hy Lạp phải hoàn tất các chương trình cải cách đi kèm để nhận nốt 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ thứ hai.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã đồng ý với các chủ nợ quốc tế sẽ tiếp tục chương trình cải cách đi kèm với gói cứu trợ nhưng cũng hứa với người dân Hy Lạp rằng, chính phủ mới sẽ không áp đặt thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm.

 
Hy Lạp sẽ không nhận gói cứu trợ thứ ba (ảnh: CNN)
Hy Lạp sẽ không nhận gói cứu trợ thứ ba (ảnh: CNN)
Ông Tsipras hôm qua (27/2) khẳng định, nước này sẽ không tìm kiếm gói cứu trợ quốc tế thứ ba:“Tôi nhận thấy rằng một số người đã đặt cược vào khả năng có gói cứu trợ thứ ba vào tháng 6 tới và họ không giấu giếm điều đó. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng tôi sẽ làm họ thất vọng. Họ nên quên đi gói cứu trợ thứ ba đó bởi vì người dân Hy Lạp đã quyết định chấm dứt các gói cứu trợ bằng lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử ngày 25/1 vừa qua. Tôi kêu gọi các Bộ trưởng làm việc tích cực hơn nữa để hoàn thành những cam kết trước bầu cử để đất nước này có thể sang trang.”

Tuyên bố này nhằm trấn an thị trường trong bối cảnh Hy Lạp vừa được gia hạn gói cứu trợ thứ hai thêm 4 tháng nữa trong khi một “con nợ” khác ở châu Âu là Ireland tuần trước mở ra khả năng phải đàm phán gói cứu trợ thứ ba. Trong khi đó, Đức - chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp – dù đã thông qua việc gia hạn gói cứu trợ cho Athen nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng nước này có thể  hoàn thành những cam kết đi kèm.

Khó khăn với Hy Lạp hiện nay là nước này vẫn đang bị đóng băng ngoài thị trường nợ quốc tế và đã hết sự lựa chọn để tự cung cấp tài chính trong nội địa. Thực tế này làm gia tăng áp lực buộc chính phủ Hy Lạp phải tiến hành cải cách nhanh chóng hoặc sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ chỉ trong vòng vài tuần.

Trong khi đó, ở trong nước, một sức ép khác đến từ cử tri đang hy vọng chính phủ của Thủ tướng Tsipras có thể chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đi kèm gói cứu trợ.

Hàng nghìn người ủng hộ đảng Cộng sản Hy Lạp hôm qua (27/2) đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Athens để phản đối việc chính phủ khuynh tả mới lên nắm quyền quay sang thỏa thuận với các đối tác quốc tế để gia hạn gói cứu trợ. Trong một tuyên bố, đảng Cộng sản Hy Lạp cho rằng, thỏa thuận này là sự nối tiếp của thỏa thuận cứu trợ cũ không được lòng dân vì nó vẫn bao gồm các biện pháp mà chính phủ tiền nhiệm đã cam kết và điều đó đã hủy hoại thị trường lao động cũng như quyền lợi xã hội.

Theo đảng Cộng sản Hy Lạp, quốc gia Nam Âu này vẫn nằm dưới sự giám sát của bộ 3 chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng với một cái tên khác.

Phát biểu trước đám đông người biểu tình trước Quốc hội Hy Lạp, lãnh đạo đảng Cộng sản Hy Lạp Dimitris Koutsoubas nhấn mạnh, Liên minh châu Âu sẽ không thay đổi vì ở Hy Lạp có một đảng cánh tả lên nắm quyền, đó là đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras.

Một người biểu tình nói:“Chúng tôi ở đây là để thể hiện sự bất bình của mình cũng như tiếp tục đấu tranh phản đối thực tế rằng các gói cứu trợ vẫn tiếp diễn, nghĩa là vẫn tiếp diễn các biện pháp thắt lưng buộc bụng đi kèm. Chiếc thòng lọng đang tròng qua đầu của chúng tôi, của người dân Hy Lạp, vì những món nợ thuộc về những nhà tài phiệt, không phải dân thường như chúng tôi.”

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên ở Hy Lạp phản đối chính phủ mới, trái ngược với các cuộc biểu tình trước đó nhằm ủng hộ quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Tsipras trong các cuộc đàm phán với chủ nợ quốc tế. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ khuynh tả của Thủ tướng Hy Lạp vẫn rất cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần