Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực tăng trưởng, lãi suất cho vay còn giảm thêm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãi suất cho vay dài hạn vẫn ở mức cao và áp lực phục hồi tăng trưởng thị trường nội địa vào cuối năm sẽ là lý do để các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Lãi suất cho vay phải giảm thêm 1,5%

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản thúc giục các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thống kê sơ bộ, đến nay đã có một loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Trong nhóm Big 4, Agribank vừa có lần điều chỉnh thứ 6 giảm lãi suất cho vay. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Vietcombank, BIDV, Vietinbank đã đưa lãi suất cũ về dưới 11%.

Các ngân hàng thương mại tư nhân cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay như KienlongBank, MSB, LPBank… Mức lãi suất giảm đối với các khoản dư nợ hiện hữu khoảng 0,5 điểm %. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay với khách hàng cũ vẫn còn cao ở mức 12- 14% do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn tồn kho.

Như VIB cho vay 9,9%/năm trong năm đầu, sau ưu đãi 13,4%/năm (mức lãi suất trước đây là 13,9% áp dụng suốt thời gian vay); OCB 10,5%/năm trong năm đầu tiên (giảm 4,5%/năm), sau ưu đãi 14,2%/năm (giảm 2,2%/năm).

Các chuyên gia đánh giá, hiện các chính sách của NHNN chủ yếu có tác động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Đồng thời, vẫn còn nhiều vấn đề nên lãi suất đầu tư chứng khoán, mua nhà (vay dài hạn) vẫn chưa thể hạ.

Một số khách hàng vay mua nhà cho biết vẫn đang chịu mức lãi suất 14,5%/năm. Lãi suất vay mua nhà phổ biến đối với những khoản vay hiện hữu của người mua nhà vẫn từ 13-15%/năm, không giảm hoặc giảm nhỏ giọt so với vài tháng trước, thua xa tốc độ điều chỉnh giảm của lãi suất điều hành và lãi suất huy động.

Giám đốc phối phân tích Công ty chứng khoán Maybank Quản Trọng Thành cho rằng, lãi suất cho vay vẫn đang được neo ở mức cao. Điều này chủ yếu do các ngân hàng bị "mắc kẹt" với nguồn vốn huy động chi phí cao trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên các khoản tiền gửi lãi suất cao này đang dần được trung hòa và sắp tới lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm. Để lãi suất cho vay trở lại bình thường và khỏe mạnh cho nền kinh tế thì phải giảm khoảng 1,5 điểm % so với hiện tại. Như vậy, lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm ít nhất là 0,5% nữa trong thời gian tới

Áp lực lớn từ yêu cầu tăng trưởng

Mặc dù đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng trong nửa cuối năm, kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành vẫn được đặt ra, nhằm hỗ trợ kinh tế thoát khỏi viễn cảnh u ám.

Hiện tăng trưởng tín dụng đang rất thấp buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn. Số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/6/2023 mới chỉ đạt 3,13%, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,51%). Với định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN.

Theo cập nhật của NHNN, sau 4 lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành với mức giảm tổng cộng 0,5-2 điểm phần trăm/năm, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 5,7%/năm, giảm khoảng 0,7 điểm phần trăm/năm so với năm 2022, trong khi lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 8,9%/năm, giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Theo đại diện của NHNN, với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực từ lạm phát là cơ sở giúp chính sách tiền tệ nới lỏng thêm, nhưng bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng cũng được xem là một nguyên nhân chính khiến nhà điều hành chính sách đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất.

Trong báo cáo kinh tế mới đây, khối phân tích của HSBC điều chỉnh giảm dự báo lạm phát từ mức 4% về còn 2,6% trong năm nay. Bên cạnh yếu tố giá năng lượng thế giới và lạm phát lương thực trong nước giảm nhiệt, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5 (vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng) cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát nhưng trong tầm “quản lý được”, HSBC bình luận thêm. Nhóm phân tích của HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ còn một đợt giảm lãi suất cơ bản nữa trong quí III/2023.

“Nếu Fed không tăng lãi suất trong thời gian tới, hiện để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhưng thị trường hiện kỳ vọng 25 điểm, thì Việt Nam có thể tiếp tục giảm thêm 25 điểm cơ bản ở trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng”, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Maybank bình luận.

 

Về bản chất, danh mục tín dụng của từng ngân hàng là khác nhau, chất lượng tài sản khác nhau. Ngoài ra, năm nay còn có thêm các thông tư và nghị định về giãn hoãn nợ. Do đó, sẽ có sự phân hóa lãi suất giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có nhiều lợi thế: Uy tín, thương hiệu, tiền gửi giá rẻ, nợ xấu kiểm soát tốt, sẽ có điều kiện giảm lãi suất nhiều hơn. (Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Huân)