LDG lao dốc trắng bên mua, VN-Index đánh rơi 1.500 điểm giữa làn sóng chốt lời
Kinhtedothi - Sau chuỗi tăng ấn tượng, thị trường chứng khoán bất ngờ quay đầu trong phiên 21/7 khi áp lực chốt lời lan rộng. VN-Index đánh mất mốc 1.500 điểm, cổ phiếu LDG giảm sàn "trắng bên mua" với hơn 23 triệu đơn vị dư bán, đánh dấu cú đảo chiều gây sốc sau 18 phiên tăng trần liên tiếp.
VN-Index đánh mất mốc 1.500 điểm trong phiên 21/7
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch đầu tuần (21/7) đầy hứng khởi, khi VN-Index nhanh chóng vượt ngưỡng 1.510 điểm ngay trong đợt khớp lệnh đầu tiên. Tâm lý nhà đầu tư tích cực sau chuỗi tăng điểm ấn tượng trước đó, đặc biệt kỳ vọng chỉ số sẽ duy trì vững trên mốc 1.500 điểm.

VN-Index đánh mất mốc 1.500 điểm trong phiên 22/7
Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng bị bẻ gãy do áp lực chốt lời mạnh từ bên nắm giữ. Nguồn cung giá rẻ bất ngờ gia tăng khiến dòng tiền trở nên yếu thế trong đợt khớp lệnh cuối cùng. Hệ quả, VN-Index đảo chiều và chốt phiên giảm 12,23 điểm (-0,82%), lùi về 1.485 điểm. Sắc đỏ bao trùm bảng điện với hơn 200 mã giảm giá, trong khi số mã tăng chỉ dừng ở 118. Rổ VN30 cũng không ngoại lệ, với 17 mã giảm và chỉ 12 mã tăng.
Điểm trừ lớn nhất trong phiên đến từ nhóm cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là VIC và VHM, lần lượt giảm gần 6% và 4,2%, khiến VN-Index "bốc hơi" gần 10 điểm. VRE và VPL cũng điều chỉnh 1,3%-1,5%. Nhóm bất động sản chịu áp lực xả hàng mạnh, dẫn đầu là LDG giảm sàn với dư bán hơn 23 triệu cổ phiếu, cùng với KHG, DXS, SCR, HDG giảm hơn 4%.
Dòng tiền rút khỏi nhóm chứng khoán và dầu khí cũng khiến nhiều mã giảm sâu. SSI, HCM, VCI, VND đồng loạt mất trên 1,5%. Trong khi đó, VIX là điểm sáng hiếm hoi, tăng 2,4% lên 19.300 đồng. Cổ phiếu dầu khí như BSR, PVD, GAS cũng chìm trong sắc đỏ.
Nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa. VPB tăng mạnh 4,4%, SHB và LPB tăng hơn 2,5%, trong khi TCB, VCB, BID và MBB giảm nhẹ. Đáng chú ý, cổ phiếu SHB tiếp tục bùng nổ với phiên tăng 3% và thanh khoản vượt 100 triệu đơn vị – là phiên thứ 11 trong năm SHB giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Diễn biến tích cực của SHB phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền có xu hướng ưu tiên các cổ phiếu thanh khoản cao và có tiềm năng tăng trưởng. Với mức tăng 3% trong phiên 21/7 và khối lượng giao dịch vượt 100 triệu đơn vị, SHB không chỉ khẳng định vị thế thanh khoản số một ngành ngân hàng mà còn đóng vai trò dẫn dắt tâm lý thị trường trong nhóm VN30.
Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt hơn 35.400 tỷ đồng với 1,47 tỷ cổ phiếu được sang tay. 5 mã có thanh khoản trên nghìn tỷ là SSI, VPB, HPG, SHB và VIX.
Một tín hiệu tích cực là khối ngoại đã quay lại mua ròng 175 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào các cổ phiếu như VPB, VIC, SSI, NVL và SHB. Trong khi đó, áp lực bán ròng xuất hiện tại VCB, FPT, VIX, VCI và GMD.
Theo các chuyên gia của Mirae Asset, nhịp điều chỉnh lần này mang tính kỹ thuật và có thể mở ra cơ hội giải ngân với chiết khấu hấp dẫn hơn, nhất là đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ. Dự báo vùng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số là quanh 1.470–1.475 điểm.
LDG “gãy sóng” sau chuỗi 18 phiên tăng trần, nhà đầu tư tháo chạy giữa hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục
Sau chuỗi tăng “phi mã” kéo dài hơn một tháng, cổ phiếu LDG của Công ty CP Đầu tư LDG đã bất ngờ giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 21/7. Mã này lao dốc 7% xuống còn 6.560 đồng/cp, rơi vào tình trạng trắng bên mua và dư bán sàn hơn 23 triệu đơn vị – một kịch bản trái ngược hoàn toàn so với chuỗi 18 phiên liên tiếp tăng trần trước đó.
Từ vùng đáy quanh 2.000 đồng, LDG đã có thời điểm vọt lên 7.050 đồng, tương đương mức tăng gần 180% chỉ trong vòng hơn một tháng. Diễn biến này từng khiến thị trường chú ý, bởi LDG là cổ phiếu đang nằm trong diện cảnh báo và kiểm soát do kết quả kinh doanh bết bát kéo dài. Doanh nghiệp này từng ghi nhận lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng năm 2024 và tiếp tục âm 1.375 tỷ đồng tính đến hết quý I/2025 – tương đương 53% vốn điều lệ.
LDG từng hai lần phải gửi văn bản giải trình lên HOSE về hiện tượng tăng trần kéo dài, cho rằng đây là diễn biến khách quan từ cung cầu thị trường và không liên quan đến bất kỳ yếu tố nội tại đặc biệt nào.
Động lực chính giúp LDG hút tiền trong thời gian qua đến từ sự trở lại của ông Nguyễn Khánh Hưng – cựu Chủ tịch từng bị bắt tạm giam năm 2023 vì sai phạm tại dự án Tân Thịnh (Đồng Nai) và bị tuyên án 16 tháng tù giam. Việc ông Hưng bất ngờ xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/6/2025 và tuyên bố sẽ hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào bước ngoặt mới.
LDG cũng đặt mục tiêu doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 92 tỷ đồng trong năm 2025, đồng thời công bố đang triển khai 9 dự án, trong đó 5 dự án lớn sẽ được chuyển nhượng hoặc thoái vốn. Tuy nhiên, với loạt cảnh báo từ kiểm toán cùng áp lực hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh dòng tiền thiếu hụt, cổ phiếu LDG nhiều khả năng sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới.

Cổ phiếu nhỏ hút tiền, Dabaco tăng mạnh sau tin chia cổ tức hơn 50 triệu cổ phiếu
Kinhtedothi - Sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến phiên điều chỉnh đầu tiên trong ngày 15/7, với áp lực bán xuất hiện mạnh mẽ vào cuối phiên chiều khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm gần 10 điểm.

Tin vui đàm phán thuế Mỹ - Việt: Cổ phiếu nào hưởng lợi?
Kinhtedothi - Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ. Đồng thời khẳng định sẽ cắt giảm đáng kể các biện pháp thuế đối ứng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển ổn định và bền vững.

Cổ phiếu toàn ngành thăng hoa, thị trường phủ sắc xanh tím
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 2/7 với gam màu tươi sáng khi chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm, lên mức 1.384,6 điểm – thiết lập mức đỉnh mới trong năm 2025.