Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Áp lực tăng trưởng xuất khẩu 2025

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trưởng từ 12% trở lên, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý cũng như sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN. Theo đó, dự báo chính xác xu hướng thị trường, chủ động chiến lược ứng phó và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là những yếu tố tiên quyết hiện thực hóa mục tiêu này.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng 

Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng trong khó khăn

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 162,78 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 82,29 tỷ USD, tăng 6,3%; nhập khẩu ước đạt 80,48 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu, ước đạt khoảng 1,81 tỷ USD. Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,75 tỷ USD (29,2%); cà phê tăng 675 triệu USD (42%); dệt may tăng 603 triệu USD (9,4%)…

Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025 rất khả quan khi thu về 15,72 tỷ USD, trong đó nhiều nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng 2 con số. Điển hình là cà phê, thặng dư 2,79 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt là nhờ giá tăng tới 73%, từ 3.228 USD/tấn tại quý I/2024 lên 5.614 USD/tấn trong quý I/2025. Với những con số ấn tượng này, xuất khẩu mặt hàng chủ lực này hứa hẹn bứt phá, sẽ thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự đóng góp lớn của ngành hàng dệt may. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, uớc tính quý I/2025, ngành dệt may xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD. Trong 6 tháng năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu với khoảng trên 22 tỷ USD. Đến nay, hầu hết các DN đã ký xong đơn hàng của quý II và bắt đầu đàm phán đơn hàng quý III, IV/2025. "Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn đến từ thuế quan của Mỹ và chiến tranh thương mại toàn cầu, song xuất khẩu dệt may vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD trong năm 2025" - ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực nêu trên, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt trên 12% và thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ là thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, chiến tranh thương mại leo thang. Đó là xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Thị trường châu Âu chú trọng đến phát triển bền vững đã đưa ra nhiều quy định mới, sẽ có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đặc biệt, biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền với nhiệm kỳ thứ hai là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích, với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 ít nhất từ 12% trở lên, mỗi tháng phải xuất khẩu 38 tỷ USD, còn nếu so với năm 2024 thì mỗi tháng xuất khẩu phải đạt hơn 4 tỷ USD. Do đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý cũng như sự linh hoạt, nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN để hoàn thành mục tiêu này.

Đa dạng hóa thị trường, chủ động chiến lược ứng phó

Giới chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt trên 12% và thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD là con số tương đối lớn, nhưng nếu so với kết quả xuất khẩu đạt được năm 2024, hoàn toàn có cơ sở tin rằng mục tiêu này khả thi.

Phân tích những điều kiện thuận lợi để tăng trưởng xuất khẩu, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp xóa bỏ các hàng rào thuế quan để Việt Nam mở rộng thị trường, chuyển dịch từ xuất khẩu các mặt hàng giá trị thấp sang giá trị cao, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng logistics được nâng cấp đóng góp cho tiềm năng tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ đã thi hành những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN nhỏ và vừa như cung cấp các khoản vay và chính sách thuế ưu đãi, tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất và thâm nhập các thị trường mới. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số cũng tạo ra thay đổi rõ rệt trong một số ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, nông nghiệp và năng lượng sạch.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực nắm bắt tình hình, dự báo chính xác xu hướng thị trường, xây dựng giải pháp ứng phó linh hoạt và nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song đó, Bộ tiếp tục duy trì tổ chức hội nghị giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng để thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu, mở ra cơ hội tận dụng các thị trường tiềm năng, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững.

Chuyên gia thương mại - TS Vũ Vinh Phú nhìn nhận một trong những vấn đề lớn là sự phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu như Mỹ, EU và Trung Quốc. Điều này không chỉ làm tăng mức độ rủi ro cho các DN mà còn khiến Việt Nam dễ bị tác động bởi các biến động kinh tế và chính trị toàn cầu. Vì vậy, để đạt được mức tăng trưởng 12%, cần có sự thay đổi trong chiến lược xuất khẩu, hướng tới sự bền vững và hiệu quả hơn. “Bộ Công Thương và các DN cần theo sát diễn biến thị trường thế giới; ở những thị trường lớn như EU, Trung Quốc và Mỹ đang là điểm nóng nguy cơ chiến tranh thương mại, DN nên chuyển hướng đẩy mạnh khai thác các thị trường mới như Trung Đông. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm giảm thời gian vận chuyển và chi phí xuất khẩu.” – TS Vũ Vinh Phú lưu ý.

Nhấn mạnh về giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để đạt được mục tiêu này, vai trò của Bộ Công Thương là rất quan trọng trong việc tìm kiếm, nắm bắt thông tin thị trường thông qua các thương vụ, đại sứ quán, trước hết là các thị trường ký FTA. Bởi, thực tế, các DN Việt Nam tận dụng cơ hội từ FTA đã có nhưng hiệu quả chưa cao. Đồng thời, Bộ Công Thương cần xúc tiến tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một số ít thị trường. Việc này giúp DN tránh được những cú sốc khi Mỹ thay đổi trong chính sách hay trục trặc trong nền kinh tế.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng 

Cùng với đó, các bộ, ngành chú trọng tổ chức kết nối các DN, hiệp hội, ngành nghề với các nhà nhập khẩu nước ngoài để có được nhiều đơn hàng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối các DN trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, cần nâng cao tính chủ động trong bảo vệ quyền lợi DN Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại, xử lý nhanh chóng, kịp thời để DN có thể bảo đảm hoạt động xuất khẩu một cách thông suốt và an toàn hơn.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ