Để giải quyết cuộc khủng hoảng |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cho biết, Qatar giữ vai trò quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì vậy, các quốc gia Ả rập vùng Vịnh sẽ có những hành động quyết liệt hơn nhằm gây sức ép lên Qatar trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay lập tức Qatar sẽ không từ bỏ chính sách riêng của mình. Phương án “thay đổi thể chế” có thể sẽ là sự lựa chọn tiếp theo mà các quốc gia Ả Rập sẽ tính tới. Các biện pháp sau đó có thể là rút toàn bộ những khoản tiền gửi của các nước này ra khỏi hệ thống ngân hàng của Qatar; hai là khóa các đường ống dẫn khí đốt từ Qatar sang các quốc gia vùng Vịnh; ba là tác động, lôi kéo thêm các quốc gia trong và ngoài khu vực ủng hộ và cùng tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế với Doha.
Nếu chấp nhận thay đổi chính sách theo đề xuất, Qatar có thể sẽ buộc phải trục xuất ngay các nhân vật thuộc phong trào Anh em Hồi giáo và lực lượng phong trào vũ trang Hamas. Các chương trình của kênh Al Jazeera có thể sẽ phải chấp nhận dừng phát sóng các nội dung chống Ả rập.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar , dư luận khu vực và quốc tế cho rằng, giải pháp ngoại giao là con đường duy nhất mà các bên kỳ vọng. Bởi nếu căng thẳng leo thang và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Hiện cuộc khủng hoảng chưa tác động đến thị trường năng lượng thế giới trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài căng thẳng giữa các bên sẽ gây trở ngại cho các hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu và khí đốt của Qatar, từ đó ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, khiến giá dầu leo thang. Được biết, phần lớn các nước châu Âu là khách hàng khí đốt lớn của Qatar , vì vậy bất cứ gián đoạn nào trong việc xuất khẩu mặt hàng này đều là vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, áp lực tìm được lời giải cho bài toán ngoại giao, giải quyết khủng hoảng đang đè nặng lên các bên có liên quan đến lợi ích tại vùng Vịnh.