Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại nhiều tỉnh thành

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới được nhận định sẽ gây mưa tại nhiều địa phương. Việc phòng chống úng ngập và bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động trên biển đang là nhiệm vụ đặt ra cấp bách.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Bản tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hiện, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc với vận tốc 15km/giờ, cường độ cấp 7, giật cấp 9.

Ngoài ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đợt có thể gây mưa to tại các tỉnh thành khu vực phía Nam của Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo đã đề nghị các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn trên 120mm/24h gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Cùng với diễn biến mưa lớn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.