Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thấp sắp mạnh thành bão, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng di dân xã đảo Thạnh An

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang di chuyển khá nhanh vào khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Nhận định vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, hồi 19h ngày 17/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.
 Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 18/11, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Nam khu vực giữa biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động mạnh.

Về vùng ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới lần này, chiều 17/11, tại cuộc họp khẩn giữa UBND TP Hồ Chí Minh với các sở ngành và quận huyện để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó, ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết, hiện cường độ áp thấp nhiệt đới vẫn chưa phải là mạnh.

Theo ông Quyết, mô hình dự báo của Nhật Bản và Mỹ cho rằng ngày 18/11 áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão, trong khi theo các mô hình khác bão đi thấp có thể vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện phía Bắc có không khí lạnh tăng cường vì thế có thể làm cho cường độ và hướng di chuyển của bão thay đổi theo hướng Tây Tây Nam chứ không phải Tây Tây Bắc nữa.

Do đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định vùng bão đổ bộ trực tiếp từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng đến TP Hồ Chí Minh, Bến Tre. Thời gian dự kiến bão đổ bộ là sáng 19/11 và khi vào bờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Không chủ quan trước những diễn biến thất thường của thời tiết

Mặc dù theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hồ Chí Minh nhưng lãnh đạo UBND TP quán triệt các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không được chủ quan, trong bối cảnh TP đang trong đỉnh triều cường đạt 1,6m.
Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Cùng ngày (17/11), UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn Số: 7109/UBND-KT tới các sở, ngành, quận huyện về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.

Qua đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tập trung triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị, quận, huyện,phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố;

Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng… giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương;

Chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư;

Đồng thời, UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có lệnh của UBND TP; đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di dời dân.

Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 17/11, để chủ động đối phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP Phan Thiết theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp trên biển, mưa, lũ, lốc, sét và gió mạnh;

Đồng thời, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực có trách nhiệm thông tin cho chủ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trong khu vực duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (nhất là quanh khu vực quần đảo Trường Sa), nhằm xử lý kịp thời các tình huống, sự cố, tai nạn có thể xảy ra.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký Công điện số 4840/CĐ-UBND yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh quán triệt nghiêm túc tinh thần Thông báo số 299-TB/TU ngày 2/11/2017 về Kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tình hình triển khai thực hiện công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là không được chủ quan, tập trung cho công tác phòng, ứng phó với tình hình xảy ra.