Áp trần giá sữa có bịt hết lỗ hổng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc áp mức giá trần với 25 sản phẩm sữa từ ngày 1/6, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét mở rộng với các sản phẩm sữa khác.

 Nhiều người cho rằng, áp trần là biện pháp phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay, không những góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) mà còn giúp doanh nghiệp (DN) tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức đã có không ít DN kinh doanh sữa tìm mọi cách lách luật.

Quyền trong tay nhà quản lý

Trước khi Bộ Tài chính chính thức công bố công văn áp trần giá sữa, một số DN kinh doanh mặt hàng này đã yêu cầu được đối thoại với cơ quan chức năng để làm rõ căn cứ áp dụng với từng sản phẩm. Nhiều DN bày tỏ, công thức tính giá trần chưa thật sự thuyết phục. Chẳng hạn như cơ sở tính giá bán lẻ tăng thêm 15% là như thế nào? Thậm chí, có DN cho rằng, chính sách giá trần sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho các nhà bán buôn, cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng sẽ có một số DN chạy cửa để được áp mức giá trần cao hơn.
 
Lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Hapro Hai Bà Trưng. 	 Ảnh: Phạm Hậu
Lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Hapro Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hậu

Theo quyết định của Bộ Tài chính, cùng một dòng sản phẩm dành cho các lứa tuổi thì giá trần áp cho sữa nội chỉ bằng một nửa so với sữa ngoại. Đây là điều mà DN sản xuất trong nước thấy bất hợp lý, bởi hoạt động sản xuất trong nước bị kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, trong khi đó, giá sữa ngoại phụ thuộc vào giá nhập khẩu và rất khó kiểm soát. Nếu không có cơ chế quản lý việc chuyển giá trong nhập khẩu, có thể dẫn đến việc mất kiểm soát về giá. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu với giá cao lại được áp giá trần cao, cộng thêm mức điều chỉnh giữa giá bán buôn và bán lẻ sẽ làm giá càng bị đẩy lên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được việc thực thi giá trần của DN, bất kể DN biện luận thế nào. Trong bảng giá trần, Bộ đã loại bỏ các chi phí bất thường, không hợp lý, hợp lệ của DN, đồng thời đảm bảo để DN có lợi nhuận hợp lý. "Nếu DN liên tục kêu lỗ, Bộ Tài chính sẽ xem xét lại giá trần. Thêm vào đó, giá trần này không phải là cứng nhắc. Nếu như DN có cải tiến chất lượng, Bộ cũng sẽ tính toán chi phí tăng thêm cho DN để có giá trần phù hợp" - ông Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, cải tiến chất lượng là gì khi thị trường sữa luôn có những kiểu lách luật rất tinh vi, chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, thay đổi một hàm lượng nhỏ về chất là lách được cả về chất lượng sữa mà không ai kiểm soát. Đây là yếu tố đòi hỏi Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phải quản lý giá đi sát với chất lượng; Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phải quản lý nhãn mác có đúng với đăng ký hay không; Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phải vào cuộc về hàm lượng, chất lượng thế nào.

Buộc doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí
Đại diện Vinamilk tính toán, doanh thu sữa bột hiện đang chiếm khoảng 19% tổng doanh thu của Công ty. Do đó với quy định này, doanh thu của Công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Thực tế, có một số sản phẩm sữa sau khi áp giá trần tối đa, giá bán lẻ (giá trần bán buôn cộng với tối đa 15%) sẽ cao hơn mức giá bán lẻ hiện tại. Điều này buộc DN phải tính toán để có mức thấp hơn quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hầu hết các hãng sữa lớn trên thị trường Việt Nam hiện đều áp dụng mô hình kinh doanh nhiều cấp, trong đó đại lý cấp 1 "ăn" theo tỷ lệ phần trăm giá trị hàng hóa, rồi phân phối cho các đại lý cấp 2 cũng được chiết khấu phần trăm, ngoài ra còn đi kèm hàng khuyến mãi như túi xách, balô, xe đạp, bàn học… cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Các DN kinh doanh sữa cũng có không ít cách để đối phó với việc áp giá trần nhằm đảm bảo lợi nhuận như khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí...

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, văn bản hướng dẫn việc áp trần giá sữa đã tính toán đến chiêu giảm trọng lượng, thay đổi mẫu mã của DN. Theo đó, những mặt hàng bị áp giá trần nếu thay đổi trọng lượng thì DN phải tính toán lại giá đúng theo trọng lượng mới.

Trong khi đó, đứng ở góc độ NTD, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ, để quy định trần giá sữa khả thi, NTD cần chú ý hơn, khi mua sữa phải xem đầy đủ các chỉ số được ghi trên bao bì như hàm lượng, trọng lượng tránh tình trạng DN rút lõi, và cần thông báo ngay với cơ quan chức năng nếu phát hiện những sản phẩm có dấu hiệu sai phạm.

 
Theo phân tích của đại diện Bộ Tài chính, trong trường hợp DN thay đổi chênh lệch về trọng lượng so với sản phẩm sữa được lựa chọn để áp giá trần, việc tính toán sẽ thực hiện theo công thức sau: Giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa cần xác định = Giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa đã lựa chọn x trọng lượng của sản phẩm sữa cần xác định giá bán buôn tối đa/trọng lượng của sản phẩm sữa đã lựa chọn.