Áp trần lãi suất cho vay: Ngân hàng bình thản, doanh nghiệp vẫn chờ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 8/5, quy định áp trần lãi suất cho vay 15% trong 4 lĩnh vực ưu tiên chính thức có hiệu lực. Trong khi ngân hàng ung dung thực thi quyết định này, doanh nghiệp (DN) vẫn chỉ dám dè dặt hy vọng.

Khó tăng tín dụng 

Sáng 8/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (Maritimebank) cho biết, các khách hàng đạt tiêu chí lành mạnh, minh bạch (những DN trong vòng 12 tháng qua không có nợ xấu tín dụng, có báo cáo kiểm toán minh bạch, rõ ràng) sẽ được Maritimebank cho vay với lãi suất 15%/năm. "Chúng tôi có hệ thống đánh giá tín nhiệm nội bộ, xếp hạng DN theo 3 mức A, AA, AAA. Những tiêu chí để được vay với mức lãi suất 15% sẽ được MSB công khai rõ ràng, đơn giản, để DN tự đối chiếu và làm hồ sơ"- ông Quảng nói.

Không chỉ MSB mà nhiều ngân hàng cũng tỏ ra khá thoải mái khi thực hiện chủ trương khống chế trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, ngành công nghiệp phụ trợ, các DN vừa và nhỏ... Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết: "Đây là biện pháp hành chính, mà đã là biện pháp hành chính thì ngân hàng không thể nói hợp lý hay không hợp lý được nữa. Cứ theo quy định mà làm". Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, trước đây, khi chưa áp trần lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng đã chủ động đưa ra các gói lãi suất thấp để kích thích tín dụng.


Áp trần lãi suất cho vay: Ngân hàng bình thản, doanh nghiệp vẫn chờ - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của VIB Bank . Ảnh: Trần Việt


Nhiều ngân hàng cho hay, bên cạnh giá vốn, tăng trưởng tín dụng hiện là một bài toán làm nhiều ngân hàng "đau đầu". Ngân hàng có vốn nhưng rất khó giải ngân vì không có khách hàng tốt để cho vay. "Tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng chúng tôi từ đầu năm đến nay là 0%. Không phải chờ đến bây giờ, trước đây, chúng tôi đã có gói tín dụng ưu đãi dành cho DN sản xuất nhưng trong thực tế lượng giải ngân rất ít. Điều này một phần do đặc thù của ngân hàng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc giải ngân hiện nay không phụ thuộc nhiều vào vấn đề lãi suất nữa mà vào thị trường, vào nhu cầu  của DN"- lãnh đạo một ngân hàng thuộc nhóm G12 thừa nhận. 

Ngân hàng nắm đằng chuôi

Nhiều DN thừa nhận, việc áp lãi suất (+3) là một chính sách tốt hỗ trợ DN, "ép" các ngân hàng phải hạ lãi suất. Tuy nhiên, xem ra ngân hàng vẫn là người nắm đằng chuôi trong chính sách này. DN chỉ có cách chờ ngân hàng "nới" bớt điều kiện mới mong tiếp cận được nguồn vốn.
 
Theo thông tư 14/2012/TT- NHNN, khách hàng vay vốn thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, ngân hàng được chủ động đưa ra các tiêu chí cho vay. Và tất nhiên, ''đến hẹn lại lên", các điều kiện ngặt nghèo lại được đưa ra. "Làm hồ sơ, nhưng bị từ chối do không đủ tài sản thế chấp, không đủ mối quan hệ. Mình ở thế dưới, không phải ở thế trên như anh ngân hàng có tiền"- GĐ một Công ty Thép tại Khu công nghiệp Mê Linh than thở.

Hơn nữa, việc áp trần chỉ dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên, còn các lĩnh vực khác vẫn thả nổi. Đó là chưa kể, đã là biện pháp hành chính, chắc chắn các ngân hàng sẽ tìm cách “lách” bằng nhiều loại phí cộng thêm. Bởi vậy, để chính sách đạt được mục tiêu trong thực tiễn, cần nhiều hơn nữa sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan điều hành./.

"Có nhiều lý do khiến các ngân hàng đang thừa vốn nhưng không thể cho vay. Đó là DN có nợ xấu lớn, hiện nợ chồng nợ, nợ cũ chưa trả nên không thể vay được nợ mới. Hơn nữa, nhiều DN đủ điều kiện được vay, có khả năng trả nợ nhưng không vay vì không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa tồn kho còn nhiều do đó phải thu hẹp sản xuất." - TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần