Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

APEC-17: Vì tăng trưởng bền vững và kết nối khu vực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong hai ngày 14 và 15/11/2009, tại Singapore diễn ra Hội nghị Cấp cao "Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 17" (APEC-17) đúng vào dịp APEC kỷ niệm 20 năm thành lập (1989-2009).

KTĐT - Trong hai ngày 14 và 15/11/2009, tại Singapore diễn ra Hội nghị Cấp cao "Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 17" (APEC-17) đúng vào dịp APEC kỷ niệm 20 năm thành lập (1989-2009). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
        
Với chủ đề "Tăng trưởng bền vững, kết nối khu vực", Hội nghị Cấp cao APEC-17 sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng cũng như những cơ hội mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, về cách thức khôi phục kinh tế và chống bảo hộ thương mại. Bên cạnh đó, các vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, vòng đàm phán Doha và tình trạng biến đổi khí hậu cũng được các nhà lãnh đạo của APEC chú trong thảo luận.

APEC-17 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng, do vậy hội nghị lần này tại Singapore có sứ mệnh quan trọng là tìm ra các giải pháp để duy trì tăng trưởng, phục hồi kinh tế và phát huy những thế mạnh cũng như tăng cường sự kết nối của các nền kinh tế thành viên, nâng hợp tác của APEC lên một tầm cao mới năng động và hiệu quả hơn, phấn đấu vì mục tiêu"Duy trì tăng trưởng và kết nối khu vực" mà chủ nhà Xinh-ga-po đã đề xuất làm chủ đề cho APEC 2009. Trong một báo cáo công bố tại hội nghị, Ban Thư ký APEC nhấn mạnh rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, 70% thảm họa thiên tai trên thế giới xảy ra tại đây. Vì vậy, các lãnh đạo APEC dự kiến sẽ kêu gọi cắt giảm hơn nữa tiêu thụ năng lượng. Tại cuộc họp năm 2007, APEC đã đề xuất mục tiêu của khu vực là đến năm 2030 giảm ít nhất 25% mức tiêu thụ năng lượng.

APEC - một diễn đàn kinh tế mở
 
Vào những năm 1980, trong tình hình Vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT) có nguy cơ không đạt được kết quả như mong đợi, trên thế giới đã xuất hiện quá trình khu vực hoá với sự hình thành các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như Liên minh Châu Âu (EU), Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)... Tại khu vực Châu Á, chủ yếu là ở Đông Á, xuất hiện những nền kinh tế năng động nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng 9-10%/năm. Mặc dù vậy, chưa có hình thức hợp tác kinh tế thương mại có hiệu quả trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
 
Từ giữa những năm 1980, để duy trì tính năng động của khu vực, đối phó với sự cạnh tranh kinh tế quyết liệt trên thế giới, một số nước Châu Á-Thái Bình Dương đã đi đến nhận thức chung là cần phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn nhằm tạo lập môi trường thương mại và đầu tư thông thoáng, thực hiện chủ trương thiết lập khu vực mở. 
 
Sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia lớn vào cuối những năm 1980 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị giữa những nước lớn đã dẫn tới việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực. Trong khi đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng muốn tăng cường vai trò của mình trong khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng không muốn làm lu mờ những cơ chế hợp tác chính trị sẵn có. 
 
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn "Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương" (APEC) đã được thành lập vào tháng 11/1989 tại một Hội nghị quốc tế ở Canberra (Australia), theo đề xuất của nước chủ nhà.
           
Các thành viên sáng lập APEC gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canađa, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppines, Singapore, Brunei, Indonesia và Malaysia. Tháng 11/1991, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, các vùng lãnh thổ Hồng Kông  và Đài Loan (Trung Quốc); Tháng 11/1993, APEC kết nạp thêm Papua New Guinea, Mêxicô; Tháng 11/1994, APEC kết nạp thêm Chilê và tạm ngừng việc xét kết nạp thành viên trong 3 năm; Tháng 11-1998, APEC kết nạp thêm Việt Nam, Nga, Peru; đồng thời quyết định tạm ngừng xem xét kết nạp thành viên mới trong 10 năm nữa để củng cố tổ chức.Năm 2007, APEC cam kết tiếp tục kéo dài thời hạn ngừng kết nạp thành viên mới đến năm 2010 để củng cố tổ chức. Như vậy, đến nay APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, khoảng 59% dân số (năm 2008), 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới. 
 
Mục tiêu hoạt động của APEC xoay quanh 3 vấn đề chính: Tự do hoá thương mại và đầu tư; Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; Hợp tác kinh tế kỹ thuật với các Chương trình Hành động Tập thể (CAP) và Chương trình Hành động Quốc gia (IAP) của từng thành viên. Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh thuế quan hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
 
Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, văn hoá và kinh tế, nên quá trình hợp tác phải bảo đảm cho tất cả các nền kinh tế APEC, bất kể sự chênh lệch về mức độ phát triển, đều có lợi. Theo định hướng đó, APEC đề ra các nguyên tắc chính là:- Nguyên tắc đồng thuận (Consensus): Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên.- Nguyên tắc tự nguyện: Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện. Cùng với nguyên tắc đồng thuận, đây là nguyên tắc khiến cho APEC trở nên khác với WTO. Tất cả chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại của APEC không diễn ra trên bàn đàm phán mà do các thành viên tự nguyện đưa ra.

Trong hai mươi năm tồn tại và phát triển, APEC đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ. Từ chỗ chỉ là diễn đàn cấp Bộ trưởng, sau bốn năm hoạt động, năm 1993 tại Seattle (Mỹ), APEC đã nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Năm 1994, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ hai tại Bogor (Indonesia) lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã ra tuyên bố Bogor, xác định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn của APEC đến năm 2020 với hai "dấu mốc" quan trọng là thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020. Sau khi đề ra mục tiêu Bogor, hai mươi năm qua APEC đã thực thi nhiều biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại/đầu tư hướng đến mục tiêu xuyên suốt này và đạt được những bước tiến đáng kể, tiêu biểu là việc thuế quan khu vực giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5% năm 2007. APEC cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm 5% chi phí thương mại trong giai đoạn 2001-2006 và đang tiếp tục giảm thêm 5% nữa trong giai đoạn 2007-2010.
  
Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức mới cho khu vực, sự quan tâm của APEC không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng sang các vấn đề an ninh và chính trị của khu vực. Lãnh đạo APEC đã ra hai tuyên bố riêng về chống khủng bố năm 2001, 2002 và một tuyên bố về biến đổi khí hậu năm 2007. Cho tới nay APEC đã thông qua hàng loạt sáng kiến trong các lĩnh vực an ninh hàng không, đường sắt, hàng hải, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, thiên tai…

Là một cơ chế đối thoại mở dựa trên các nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc và linh hoạt, APEC đã chứng tỏ mình là một cơ chế hợp tác quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương, bổ sung một cách hiệu quả cho các cơ chế hợp tác khu vực khác như ASEAN, ASEAN+3 (10 nước ASEAN và ba nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), và Cấp cao Đông Á (EAS). Các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hợp tác APEC, đồng thời tìm thấy ở APEC một diễn đàn hiệu quả để khẳng định vị thế của mình và tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của Châu Á - Thái Bình Dương.
          
Không chỉ dừng lại ở những thành tựu khu vực, APEC hai mươi năm qua còn có nhiều đóng góp mang ý nghĩa toàn cầu. Ngay từ Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên tại Canberra, APEC đã kêu gọi hoàn thành Vòng đàm phán Uruguay về thương mại đa phương; và đã góp phần tích cực vào việc kết thúc thành công vòng đàm phán này, đặt nền móng cho sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc APEC đạt được thỏa thuận về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ thông tin chính là cơ sở để WTO đạt được Thỏa thuận về Công nghệ Thông tin (ITA). Trong nhiều năm qua, APEC đã góp tiếng nói quan trọng vào quá trình củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO và kiên trì thúc đẩy Vòng đàm phán Doha. Các nhà lãnh đạo APEC đã hơn một lần tuyên bố khẳng định sự nhất trí của APEC trong việc ủng hộ Vòng đàm phán Doha, trong đó có tuyên bố riêng về Nghị trình Phát triển Doha được thông qua ở Hội nghị Cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội.
 
APEC ra đời phản ánh sự chuyển dịch của cục diện quốc tế, làm sâu sắc thêm quan niệm của mọi người về châu Á-Thái bình dương, khiến mọi người bắt đầu nhìn nhận thế giới từ góc độ châu Á-Thái bình dương, chứ không chỉ từ góc độ Đại tây dương. 20 năm phát triển của APEC cũng chính là 20 năm trỗi dậy mạnh mẽ của các nước trong vùng. Khác với hiện trạng trầm lắng của thế giới phương Tây, tư thế mới của châu Á-Thái bình dương đã củng cố nhận thức của mọi người, rằng trung tâm quyền lực của thế giới đã từ Đại tây dương chuyển sang Thái bình dương.

Một số quan điểm cho rằng trong phạm vi châu Á-Thái bình dương, APEC luôn phát huy được vai trò quan trọng trong việc "giải quyết các rắc rối". APEC đã giành được những thành tựu quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tổ chức này đã thúc đẩy các cuộc đối thoại chính trị giữa các nước thành viên thuộc khu vực châu Á-Thái bình dương, trong các thời điểm khác nhau, đã đóng vai trò làm dịu căng thẳng về chính trị, chẳng hạn sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ do nảy sinh vấn đề ở biển Đài Loan năm 1996, tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 1994… Nhớ lại 20 năm trước, khu vực châu Á-Thái bình dương không thể có cơ hội để Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ ngồi lại họp bàn với nhau, và trong lịch sử cũng chưa hề có cơ hội như vậy. Nếu không có APEC, vấn đề khu vực sẽ ngày càng xấu đi, tâm lý bảo hộ sẽ thể hiện rõ nét hơn. Cũng có thể APEC chưa đưa ra được những quy tắc mới trong buôn bán, song, tổ chức này đã nhấn mạnh được những quy tắc đã có, đồng thời còn thúc đẩy tự do thương mại.

Việt Nam đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động của APE

Mặc dù là không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác, nhưng trong 11 năm là thành viên APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC với tinh thần trách nhiệm cao. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công "Năm APEC 2006", ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC. Bên cạnh việc Hội nghị cấp cao ra Tuyên bố riêng ủng hộ Nghị trình Phát triển Doha, APEC 2006 còn được các thành viên đặc biệt đánh giá cao, coi đây là năm bản lề của cải cách APEC. Việc Việt Nam tổ chức chu đáo trên 100 sự kiện lớn nhỏ, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh và nhiều hội nghị cấp Bộ trưởng, đã thể hiện sự lớn mạnh cả về thế và lực của đất nước, giành được sự tin tưởng và tôn trọng của bạn bè quốc tế. Việt Nam đã năng động tham gia vào các lĩnh vực mà ta có điều kiện phát huy vai trò trong một diễn đàn kinh tế đa dạng về trình độ phát triển và phong phú về nội dung hợp tác như APEC. Thông qua những hoạt động phong phú đó, Việt Nam đã góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC. Năm 2009, các thành viên đã rà soát, đánh giá chính sách của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP) hàng năm của Việt Nam.