APEC 2017: Cơ hội cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm khoảng 79% số lượng doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế cho rằng Năm APEC 2017 là cơ hội để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Bên lề Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội, ​tiến sỹ, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Ủy ban Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) đã trao đổi với báo chí về những cơ hội và thách thức đối với khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam trong Năm APEC 2017?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Năm 2017 là một năm rất quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hướng về doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
 (Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN)

Việt Nam là chủ nhà Năm APEC 2017 với rất nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo, đối thoại…, bàn luận nhiều vấn đề quan trọng trong đó có việc làm thế nào để phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Đó là bước kết nối quan trọng, cũng là một sáng kiến của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là khối doanh nghiệp rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trong toàn khu vực APEC. Khối này chiếm tới 79% tổng số doanh nghiệp trong khu vực APEC và đóng góp khoảng 65% về việc làm, 30-40% giá trị xuất khẩu trong khu vực APEC.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng nhưng thời gian vừa qua, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn do nền tài chính mỏng, công nghệ còn yếu, nguồn nhân lực về cơ bản còn bất cập.

Chính vì vậy, các nền kinh tế thành viên APEC đều thống nhất là cần có nhiều quan tâm hơn nữa đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do đó, một trong bốn ưu tiên được chủ nhà Việt Nam đưa ra là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” đã được các nền kinh tế thành viên APEC hết sức đồng thuận.

- Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đón nhận những cơ hội và thách thức gì, thưa ông?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Khi tham gia hợp tác đa phương như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội để phát triển thị trường, đối tác, xuất khẩu, nhập khẩu; tham gia chuỗi cung ứng của khu vực một cách tích cực hơn và chủ động hơn; hợp tác, liên kết với nhau nhằm tận dụng tốt hơn các cơ hội có được từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học tập lẫn nhau; cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng gặp ba thách thức cơ bản. Đó là, thách thức đối với khách quan bên ngoài hiện nay như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, gây ảnh hưởng nhất định đối với đầu tư và thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vốn có hạn chế nhất định về nguồn tài chính về nhân lực. Do đó, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số, các doanh nghiệp này vấp phải rất nhiều khó khăn.

Cuối cùng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam muốn tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khối APEC sẽ phải tự mình vươn lên.

Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp Việt cơ bản còn yếu, nguồn nhân lực còn khá bất cập, về mặt bằng chung là còn thấp hơn các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp làm ăn lâu năm.

Tôi cho rằng đây là những thách thức mà Việt Nam cần tập trung khắc phục trong thời gian tới để tận dụng được những cơ hội của quá trình hội nhập.

- Năm APEC 2017 đem lại lợi ích gì cho khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam, thưa ông?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Khi Việt Nam là chủ nhà APEC 2017, doanh nghiệp Việt nói chung sẽ được hưởng nhiều lợi ích.

Thứ nhất là cơ hội để các doanh nghiệp trong khối APEC học tập, chia sẻ với nhau.

Thứ hai là cơ hội để các doanh nghiệp của ta nghiên cứu, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực, một lĩnh vực vốn dĩ các doanh nghiệp của chúng ta tham gia chưa được nhiều trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt. Cuối cùng là cơ hội để kết nối, tạo mối quan hệ với đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý trong tương lai.

Sắp tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, khâu quan trọng chính là phải kết nối. Kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo, kết nối các doanh nghiệp với nhau, kết nối giữa con người với nhau, kết nối giữa các cơ sở hạ tầng với nhau.

Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng, phù hợp với ưu tiên của Năm APEC 2017 dành cho khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam nói riêng và toàn khối APEC nói chung.

- Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!