Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

APEC cần hợp tác đối phó nguy cơ và thách thức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm qua, uy tín và ảnh hưởng của APPF gia tăng đáng kể. Minh chứng là thành phần đại diện tham gia diễn đàn ngày càng tăng, có khoảng hơn 300 quan khách đến từ 33 quốc gia, cũng như đại diện các tổ chức và liên minh quốc tế lớn, trong đó có Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hội đồng liên nghị viện Cộng đồng các quốc gia độc lập...

Các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải hợp tác đối phó với những nguy cơ, thách thức hiện nay, trong khi hoạt động ngoại giao nghị viện sẽ góp phần giúp các nước trong khu vực nâng mức độ tin cậy lẫn nhau.

Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thư chào mừng gửi đến các đại biểu cũng như khách mời tham dự Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình dương lần thứ 21 (APPF), khai mạc tại Vladivostok (Liên bang Nga) ngày 28/1.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng APPF-21 là hoạt động cuối trong chuỗi sự kiện của năm Nga nắm quyền chủ tịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mà hoạt động chính là Hội nghị thượng đỉnh APEC, đã diễn ra thành công ở tại thành phố cảng Vladivosto hồi tháng 9/2012.
 
APEC cần hợp tác đối phó nguy cơ và thách thức - Ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AP)

Tại hội nghị tháng 9/2012, các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương đã khẳng định sẽ hợp tác vì sự phát triển bền vững của khu vực, tăng cường vai trò của khu vực như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo ông Putin, các nghị viện trong khu vực có đóng góp to lớn trong việc đạt được mục tiêu chiến lược này. Những kết quả của các hoạt động lập pháp đã góp phần xác định phương hướng và động lực tiến bộ kinh tế-xã hội, đồng thời tạo điều kiện tận dụng hết tiềm lực to lớn của khu vực, trước hết, nhờ việc tăng cường hội nhập, khuyến khích thương mại, đầu tư và cạnh tranh, mở cửa thị trường, xóa bỏ những rào cản thuế quan, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Ông Putin khẳng định APPF cần phải hướng đến việc nâng cao mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong khu vực, từ đó tăng cường hợp tác đối phó với các nguy cơ và thách thức hiện nay. Ngoài ra, những cuộc tiếp xúc giữa các nghị sỹ còn góp phần mở rộng quan hệ nhân văn và giao lưu, trao đổi văn hóa, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trong khu vực.

Theo ông Putin, trong những năm qua, uy tín và ảnh hưởng của APPF gia tăng đáng kể. Minh chứng là thành phần đại diện tham gia diễn đàn ngày càng tăng, có khoảng hơn 300 quan khách đến từ 33 quốc gia, cũng như đại diện các tổ chức và liên minh quốc tế lớn, trong đó có Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hội đồng liên nghị viện Cộng đồng các quốc gia độc lập...

Tại APPF-21, dự kiến các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ thảo luận một loạt vấn đề chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, và hợp tác khu vực. Ngoài ra, trong khuôn khổ phiên họp còn diễn ra hội nghị bàn tròn vời chủ đề "Nước Nga-cầu nối giữa châu Âu và châu Á" và các buổi thuyết trình những dự án đầu tư lớn.

Được thành lập vào năm 1993, mục đích chính của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương là mở rộng hợp tác khu vực, ủng hộ tự do thương mại và đầu tư quốc tế, tăng cường mối quan hệ hợp tác nhằm củng cố an ninh trong khu vực và thế giới./.