App tín dụng đen vẫn hoành hành

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình thức vay tiền qua app (ứng dụng) nổi lên gần đây đã thu hút nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên, các app này vẫn luôn biến tướng và bị lợi dụng để thực hiện những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lãi suất trên 2.000%/năm

Hiện nay, bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai và minh bạch, thị trường cũng xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, với lãi suất “cắt cổ” khiến người dân bức xúc.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… thì có thể đây là một hình thức của tín dụng đen online.

Đằng sau sự hấp dẫn của các app tín dụng đen là những hệ lụy không hề nhỏ.
Đằng sau sự hấp dẫn của các app tín dụng đen là những hệ lụy không hề nhỏ.

Một tài khoản tên ''Nguyễn Xuân Mỹ'' đã tố cáo trong nhóm facebook “Cảnh báo các tài khoản ngân hàng lừa đảo” về việc bị app tín dụng "Thanh Long" lừa 154 triệu đồng trong khi nhu cầu vay chỉ 40 triệu đồng. Chủ tài khoản này cho biết, có số điện thoại 090...259 gọi đến, tự xưng là nhân viên của app tín dụng "Thanh Long" giới thiệu cho vay vốn.

Sau khi khách hàng đồng ý vay thì đối tượng yêu cầu kết bạn zalo tên ''Phan Quân'' để hướng dẫn tải app "Thanh Long", và tiếp tục yêu cầu kết bạn với zalo tên ''Đặng Văn Hải'' để làm thủ tục vay. Sau khi ký hợp đồng, các đối tượng yêu cầu chủ tài khoản "Nguyễn Xuân Mỹ" chuyển khoản cho tài khoản tên Lâm Thùy Linh các khoản tiền mua bảo hiểm, tiền phí lệnh giải ngân…

Sau đó, chủ tài khoản "Nguyễn Xuân Mỹ" bị các đối tượng dọa phải chuyển số tiền do lỗi tự ý thực hiện lệnh rút tiền, nội dung chuyển khoản sai, số tài khoản bị lỗi cần tạo tài khoản mới… Nếu khách hàng không chuyển tiền các đối tượng sẽ báo công an vào cuộc. Sau khi vay mượn chuyển 154 triệu đồng, các đối tượng tắt máy thì chủ tài khoản "Nguyễn Xuân Mỹ" mới biết mình bị lừa.

Một tài khoản khác có tên ''Giang'' quảng cáo “Vay vốn toàn quốc” thì khẳng định, hồ sơ vay đăng ký online và nhận tiền trong ngày, không sử dụng app với hạn mức lên tới 500 triệu đồng và có hình thức vay trả góp theo tháng. “Chúng tôi không giữ bất kỳ loại giấy tờ nào của khách hàng cũng không thẩm định người thân và giải ngân trong vòng 90 phút đối với người có thẻ ATM, 2 giờ nhận tiền mặt…” - tài khoản tên ''Giang'' cho biết.

Trước đó, trong tháng 6/2022, anh T. (SN 1971, trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) và chị H. (SN 1981, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã tới cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua mạng. Theo đơn trình báo, chị H. đã chuyển 117 triệu đồng cho một đối tượng để vay 200 triệu đồng nhưng không được giải ngân; còn anh T. bị lừa 100 triệu đồng.

Tháng 5/2022, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và một số đơn vị liên quan, triệt phá đường dây tín dụng đen thông qua hình thức cho vay qua app với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trung bình mỗi tháng, số tiền nhóm này giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng. 26 người bị khởi tố để điều tra về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản… Nhóm này lập 3 app cho vay “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”. Với thủ tục đơn giản, chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD là nhanh chóng được vay trong thời gian ngắn với lãi suất lên tới 1.570% - 2.190%/năm.

Mới đây, Bộ Công an và Công an tỉnh Lào Cai đã triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi quy mô cực lớn qua ứng dụng điện thoại di động, hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam. Con số cho thấy, đến ngày 21/7, có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng điện thoại Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền vay 1.802,1 tỷ đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất “cắt cổ”, tới 2.090,93%/năm.

Cần tăng khung hình phạt với vay nặng lãi

Theo NCSC, trong những tháng đầu năm 2022, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.

“Những ứng dụng tín dụng đen đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay và không cần tài sản thế chấp, nhưng thực tế lãi suất lại rất cao...” -  NCSC cảnh báo. Bởi với hình thức tín dụng đen này, trước khi cho vay, các đối tượng thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…

Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh chứng minh nhân dân để khi người nợ chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ, gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực…

Khi đến hạn thanh toán mà người dân không có để trả sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rối. Có những đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại và liên hệ, quấy rối, thậm chí đe dọa, xúc phạm với những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội để quấy rối, đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… để gây áp lực với người vay phải trả tiền.

Giải đáp các câu hỏi xung quanh vấn đề vay qua app, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động này còn được gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending), đã xuất hiện ở Mỹ và Anh cách đây 10 năm, sau đó lan sang các nước châu Á trong những năm gần đây. Riêng ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và giao cho NHNN chủ trì cùng các bộ, ban, ngành để nghiên cứu. Hiện NHNN đang dự thảo nghị định về hoạt động này để có hành lang pháp lý cho hoạt động lành mạnh, an toàn hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh.

Cùng với các giải pháp khơi thông nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân, các chuyên gia nhận định cần tăng khung hình phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi. Bởi, lợi nhuận tín dụng đen mang lại quá lớn trong khi mức phạt tù 6 tháng đến 3 năm hiện tại là không đủ sức răn đe.

 

Theo quy định, lãi suất cho vay không được quá 20% so với lãi suất ngân hàng. Khi gặp phải tình trạng bị đe dọa, quấy rối hoặc phát sinh các vấn đề khác thì cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Tuyệt đối không cấp quyền truy cập điện thoại, mạng xã hội…

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để ngăn chặn hệ lụy của tín dụng đen núp bóng ứng dụng vay tiền, bản thân người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không “túng quá làm liều”.

Các cơ quan, tổ chức có liên quan như VNCERT/CC, Phòng An ninh mạng và công ty tài chính, ngân hàng cũng liên tục đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo nói trên. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín, có đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số DN, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của chủ thể tham gia giao dịch…

Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.