KTĐT - Trước dư luận ì xèo xung quanh vụ iTunes bị hack, Apple chỉ phản ứng ở mức "tối thiểu" khi thông báo đã xoá nick Thuat Nguyen cùng các ứng dụng do nick này tải lên khỏi App Store. Lý do Quả táo đưa ra là hành vi của Thuat Nguyen đã vi phạm quy định của hãng và có bao gồm yếu tố lừa đảo trong đó.
Không ảnh hưởng gì!
Và bất chấp việc nhiều người dùng đã lên các diễn đàn để phản ánh về việc tài khoản của họ đã bị hack và sử dụng trái phép để mua ứng dụng trong App Store, Apple khẳng định máy chủ iTunes hoàn toàn không bị hạ gục. "Tỷ lệ người dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố này là cực nhỏ - khoảng 400 trên tổng số 150 triệu người dùng iTunes, tức là chưa đến 0,0003%".
Apple cũng trấn an khách hàng rằng Nguyen và các nhà phát triển ứng dụng khác "không hề nhận được bất cứ dữ liệu người dùng tối mật nào lưu trữ trong iTunes". Trước đó, hôm Chủ Nhật trang AppleInsider có đưa tin rằng một số tài khoản iTunes hợp pháp đang bị hacker Trung Quốc tấn công.
Apple đã tiến hành áp dụng một cơ chế bảo mật mới trên iTunes Store để giúp hạn chế những hành vi phạm tội trong tương lai. Bắt đầu từ tối qua, người dùng đã bị yêu cầu cung cấp mã ở mặt sau thẻ tín dụng khi mua sắm trên iTunes Store hoặc khi truy cập tài khoản của mình từ một máy tính khác.
Đầy rẫy câu hỏi
Vấn đề là, những biện pháp cũng như cách giải thích của Apple hoàn toàn chỉ mang tính chất tình thế. Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao những ứng dụng "khả nghi" lại có thể dễ dàng lọt qua "thiên la địa võng" kiểm duyệt của Apple đến thế?
Apple đã điều tra được gì về nick Thuat Nguyen ngoài thông tin mà TNW Apple cung cấp là các ứng dụng được viết mã "rất ẩu và được chuyển thể từ các truyện tranh không xuất xứ từ Việt Nam". Những ứng dụng này có giá rất đắt, không có đánh giá thứ hạng, cũng chẳng có ý kiến khen - chê của người dùng và càng không có bất cứ dấu hiệu của một thương vụ mua sắm hợp pháp nào.
Tệ hơn nữa, theo TNW, Nguyen không phải là trường hợp duy nhất. Trang blog này đã phát hiện thêm nhiều trường hợp ám muội khác đang tồn tại bên trong Apple App Store. Một số được nguỵ trang hời hợt để đánh cắp số thẻ tín dụng người dùng, số khác ra đời với mục đích chưa xác định nhưng chắc chắn là không tốt đẹp gì. Điểm chung của chúng là không có chức năng thực sự, thiếu một website cá nhân có giá trị của tác giả ứng dụng và thiếu một hình đại diện cụ thể (chỉ dừng lại ở những hình ảnh tải đầy từ Internet về).
Trong khi đó, những ứng dụng hiển nhiên là hợp pháp, chất lượng cao như Google Voice, Google Latitude, ứng dụng xem truyện tranh của Daryl Cagle, hoạ sĩ riêng của trang MSNBC thì lại bị Apple cấm cửa đến cả chục thước. Cũng đừng bất ngờ chút nào nếu một tác giả từng đoạt giải thưởng sách Pulitzer lại bị Apple thẳng thừng từ chối.
Vì đâu nên nỗi?
Tại sao "rác" lại có thể đàng hoàng xuất hiện trên các kệ sách của App Store, còn những ứng dụng chính thống kia thì không? Khâu kiểm duyệt của Apple đã gặp trục trặc ở đâu, hay họ chỉ khắt khe với ứng dụng của các đối thủ và thả lỏng một cách bất cẩn cho các ứng dụng cá nhân?
Liệu có phải vì với ứng dụng đối thủ, ngoài sự cạnh tranh, Apple còn gặp một thách thức khác là mức độ kiểm soát? Hiển nhiên, các chuyên gia phát triển độc lập sẽ dễ dàng chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo, đôi khi đến mức vô lý của Apple hơn để ứng dụng của họ được góp mặt trên App Store.
Apple vẫn thường mai mỉa rằng những chợ ứng dụng như Google Marketplace "vàng thau lẫn lộn", ai cũng có thể upload bất cứ ứng dụng nào họ muốn. Nhưng scandal mới nhất của Apple đã minh hoạ rõ nét cho một điều: ở bất cứ nơi nào cũng có những hiểm hoạ tiềm ẩn.
Sự cường điệu và thổi phồng khi quảng cáo về môi trường "thanh lọc" của Apple lại gây tác dụng ngược, vì nó khiến cho nhiều người dùng lơ là và mất đi sự thận trọng vốn có.