Argentina thả nổi tỷ giá nội tệ, hy vọng cứu nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tân Tổng thống Argentina - Mauricio Macri ra quyết định thực hiện chính sách thả nổi đồng Peso, một bước đi táo bạo nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Argentina sẽ phá bỏ trần tỷ giá hối đoái được áp dụng từ năm 2011, thả nổi đồng nội tệ Peso trên thị trường từ 17/12 (giờ địa phương). Động thái này sẽ khiến đồng tiền Argentina bị phá giá ít nhất 40%.
Argentina thả nổi tỷ giá nội tệ, hy vọng cứu nền kinh tế - Ảnh 1
Dưới thời Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, lượng ngoại tệ dự trữ tại Ngân hàng T.Ư Argentina bị ảnh hưởng lớn do chênh lệch tỷ giá tại Ngân hàng là 9,83 Peso đổi 1 USD trong khi ở chợ đen là 13 – 15 Peso đổi 1 USD. Bằng biện pháp mới, Tổng thống Macri hy vọng sẽ châm ngòi cho một làn sóng đầu tư trong nền kinh tế dự trữ ngoại tệ thấp và lạm phát 2 con số.

Đây là một trong những bước cải cách đầu tiên của Tân Tổng thống Mauricio Macri nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, cứu nền kinh tế Nam Mỹ này. Ông Marci, một người ủng hộ thị trường tự do, được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt kinh tế Argentina đã suy thoái do bị kiểm soát chặt chẽ.

Trước khi dỡ bỏ trần tỷ giá hối đoái, Tổng thống Macri đã ra quyết định giảm và miễn thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thu hút ngoại tệ.

Giới phân tích nhận định, việc thả nổi tỷ giá hối đoái mặc dù là “liều thuốc” cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ khiến đồng nội tệ Peso bị phá giá mạnh, kéo theo lạm phát gia tăng và có nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống người dân. Dự báo, tỷ lệ lạm phát Argentina sẽ tăng hơn 25% trong năm 2015 và hơn 35% trong năm tới nếu đồng Peso bị mất giá mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần