Khó triển khai vì vướng GPMB
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án sản xuất rau an toàn tại huyện này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Cuối năm 2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định 6048/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tại huyện Đan Phượng" và giao cho Công ty Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) làm chủ đầu tư. Dự án có qui mô khoảng 84,2 ha trên địa bàn 3 xã Đồng Tháp, Phương Đình, Song Phượng với tổng đầu tư trên 103 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách trên 52 tỉ đồng, còn lại là của doanh nghiệp.
Để triển khai dự án, theo Phó Tổng giám đốc HADICO Hoàng Trọng Chương, đơn vị phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất ra như khu nhà xưởng sơ chế (giai đoạn I) với diện tích trên 5,4 nghìn mét vuông tại xã Song Phượng; hệ thống các trạm cấp nước nhà kho, kho lạnh bảo quản… Theo đề nghị của lãnh đạo huyện Đan Phượng, nhằm đáp ứng tiến trình xây dựng nông thôn mới, từ tháng 1/2011, Công ty HADICO đã ký hợp đồng thuê đất của các hộ dân xã Song Phượng với giá thuê là 2,5 tạ thóc/sào theo giá thị trường tại thời điểm thuê để triển khai mô hình trình diễn sản xuất, sơ chế rau an toàn tập trung.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này, mới có 105 hộ dân chấp thuận cho doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn (RAT), với diện tích gần 4 ha. Bên cạnh đó, các hạng mục chính của dự án, như: xây dựng 11,5km đường giao thông nội đồng; xây dựng 3 trạm bơm nước khai thác nước mặt từ sông Đáy phục vụ cấp nước cho toàn bộ khu vực dự án, với tổng công suất 600m3/h; xây dựng 3 tuyến mương tưới có tổng chiều dài 9,4km, 3 tuyến mương tiêu dài khoảng hơn 1,1km; xây dựng 2 trạm biến áp công suất 180kVA/trạm… vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo ông Chương, còn có sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền địa phương. Cụ thể là việc ban hành các văn bản chính sách trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng…
Theo lãnh đạo xã Song Phượng, hiện còn hơn 20 hộ dân vẫn không chịu hợp tác cho doanh nghiệp thuê đất, nhưng với thẩm quyền cấp xã cũng chỉ tuyên truyền, giải thích, vận động, chứ không làm hơn được. Xã cũng đã đề nghị huyện có biện pháp để đẩy nhanh dự án vì Song Phượng là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của Thành phố.
Lợi ích của dự án là rất rõ ràng và đúng với chủ trương của Thành phố trong xây dựng nông thôn mới, hy vọng trong thời gian tới, chính quyền huyện Đan Phượng sẽ vào cuộc rốt ráo hơn nhằm phối hợp cùng thành phố thực hiện thành công Đề án phát triển rau an toàn, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.
Mục tiêu của dự án rau an toàn ở Đan Phượng là tăng cường hạ tầng kỹ thuật và qui trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ rau sạch, hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung với sản lượng 6.000 tấn rau an toàn/năm cho thị trường Hà Nội; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân trong vùng dự án. |