ASEAN cần vào cuộc vụ tàu VP ASPHALT 2 bị cướp biển tấn công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (9/12), hai ngày sau khi trải qua biến cố khủng khiếp, các thuyền viên của tàu vận tải VP ASPHALT 2, trọng tải 3.000 tấn của Công ty CP Vận tải hóa dầu VP bị cướp biển tấn công rời cảng Singapore.

Vụ việc này một lần nữa đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN trong việc phòng chống cướp biển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trong bối cảnh thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN về an ninh trong năm 2015 đã tới rất gần.Ngoài nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại về kinh tế, cướp biển đang trở thành một thách thức an ninh mới nổi đe dọa sự ổn định của vùng biển khu vực và là nguy cơ được các quốc gia trong khu vực ASEAN đặc biệt lưu tâm. 

 
Tàu VP ASPHALT 2.         Nguồn:Vietnam MRCC
Tàu VP ASPHALT 2. Nguồn:Vietnam MRCC
 
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Singapore, sau khi xuất phát khỏi cảng Singapore để chở nhựa đường về Việt Nam, tàu VP Asphalt 2 cùng 16 thủy thủ trên tàu đã bị cướp biển khống chế và cướp vào rạng sáng ngày 7/12/2014. Khi cướp biển rút đi, các thủy thủ đã phát hiện anh Trần Đức Đạt bị thương nặng và đã qua đời sau khi được đưa vào Bệnh viện Tan Tock Seng Singapore cấp cứu. 

Việc tàu VP ASPHALT 2 bị cướp biển tấn công rất gần với vị trí tàu SUNRISE 689 bị cướp hôm 2/10 khi đang chở 5.226 tấn dầu từ cảng Horizon (Singapore) về cảng Cửa Việt, Quảng Trị, Việt Nam cho thấy, sau một thời gian lắng diu, cướp biển lại hoành hành tại khu vực này. Điều đáng nói là khu vực các tàu của Việt Nam bị tấn công thuộc vùng biển giáp ranh của 3 nước Singapore, Malaysia và Indonesia nên nếu không có sự phối hợp quốc tế, rất khó để tiến hành kịp thời công tác ứng cứu và hỗ trợ tàu. 

Thực ra, ngay từ giữa năm 2004, trước tình hình phức tạp tại eo biển, ba nước đã phối hợp tuần tra chung trên biển trong chiến dịch mang tên "Malsindo" (viết tắt tên của 3 nước Malaysia, Singapore và Indonesia). Tuy nhiên, sau 10 năm tiến hành, những hoạt động này hầu như chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, các vụ cướp biển vẫn xảy ra do địa bàn phức tạp, lực lượng các bên mỏng, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Vì thế, trong nhiều kỳ họp, các đại biểu tham gia hội nghị Hải quân ASEAN đều khẳng định quyết tâm phối hợp chống cướp biển và đảm bảo an ninh hàng hải. Hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, các quan chức tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Myanmar đã nhất trí tăng cường hợp tác tuần tra chung, diễn tập trên biển cũng như chia sẻ thông tin nhằm đối phó với tình trạng cướp biển ở Malacca và Biển Đông được coi là một trong những bước đi cụ thể của các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an ninh trên biển. 

Việc ASEAN thúc đẩy những phương án, kế hoạch phối hợp này không chỉ đảm bảo an ninh cho vùng biển khu vực, mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ nhau của các quốc gia trong khu vực.
 
Ngay sau khi nhận được thông tin tàu VP Asphalt 2 thuộc Công ty Vipco bị cướp biển tấn công, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Singapore tìm hiểu thông tin và tiến hành các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với các thuyền viên trên tàu. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và tại sở tại, Công ty Vipco và gia đình anh Trần Đức Đạt hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm đưa thi hài nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình. Đại sứ quán cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Singapore làm rõ những thông tin liên quan đến vụ việc và có các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với các thuyền viên trên tàu VP Asphalt 2.