70 năm giải phóng Thủ đô

ASEAN khởi động đàm phán Hiệp định Khung về Kinh tế Kỹ thuật Số

Theo VietnamPlus
Chia sẻ Zalo

Bộ trưởng Indonesia nêu rõ: “Nếu được triển khai vào năm 2025, DEFA sẽ gia tăng tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của ASEAN, từ mức thông thường 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030.”

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23, tại Jakarta (Indonesia) ngày 3/9/2023. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)  
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23, tại Jakarta (Indonesia) ngày 3/9/2023. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)  

Ngày 3/9, các cuộc đàm phán Hiệp định Khung về Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN (DEFA) đã được khởi động trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23, thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nước ASEAN trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số ở khu vực.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đánh giá sự kiện này là “cột mốc lịch sử” và là “bước tiến quan trọng” trong hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số.

Ông nhấn mạnh sự kiện trên cũng đánh dấu nền tảng kinh tế kỹ thuật số ASEAN an toàn và kết nối, sẵn sàng dẫn đầu cộng đồng kỹ thuật số và thúc đẩy sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Airlangga nêu rõ: “Nếu được triển khai vào năm 2025, DEFA sẽ gia tăng tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của ASEAN, từ mức thông thường 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030.”

Bằng cách đưa ra lộ trình toàn diện, DEFA tìm cách trao quyền cho các doanh nghiệp và các bên liên quan trong toàn khu vực thông qua thúc đẩy tăng trưởng thương mại, tăng khả năng tương tác, tạo môi trường trực tuyến an toàn và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Bộ trưởng Airlangga cho hay nhiều sáng kiến ưu tiên kinh tế (PED) của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 đã hoàn tất và có thể chuyển giao để hỗ trợ các MSME và thương mại điện tử. Cho đến nay, việc hài hòa hóa các chính sách, trong đó có luồng dữ liệu liên quan đến DEFA, vẫn đang được thực hiện.

[Indonesia thúc đẩy phát triển hệ sinh thái xe điện trong ASEAN]

Về phần mình, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Indonesia trong Năm Chủ tịch ASEAN 2023, đặc biệt là ở trụ cột kinh tế với nhiều kết quả, trong đó có việc triển khai hành động với thông điệp chính là đưa ASEAN trở thành khu vực đầu tư đáng tin cậy.

Trước đó tại Hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận về tình hình kinh tế rất năng động hiện nay trong khu vực và trên toàn cầu. Năm vấn đề quan trọng cần quan tâm cũng được thảo luận, bao gồm tình hình địa chính trị, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, đổi mới kỹ thuật số và tăng trưởng bao trùm.

Ngoài ra, một số vấn đề chiến lược của khu vực cũng đã được thảo luận tại hội nghị, bao gồm 16 PED, tiến độ xây dựng Tầm nhìn ASEAN năm 2045, phát triển bền vững, hệ sinh thái xe điện khu vực và việc chuẩn bị kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức của ASEAN.

Các bộ trưởng đã nhất trí ủng hộ trình lên các nhà lãnh đạo xem xét thông qua bốn văn kiện sáng kiến của Indonesia tại Hội nghị Cấp cao ASEEAN lần thứ 43, bao gồm Tuyên bố về Tăng cường An ninh Lương thực và Dinh dưỡng nhằm Ứng phó với Khủng hoảng, Tuyên bố về Xây dựng DEFA, Tuyên bố về Trung tâm Tăng trưởng ASEAN và Khung Kinh tế Biển xanh ASEAN.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho hay tính đến thời điểm này, 11 PED của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 đã được hoàn tất, trong khi 5 PED còn lại sẽ tiếp tục được triển khai để hoàn tất trong quý 4 năm 2023.

Về Tầm nhìn ASEAN 2045, với tiêu chí “ASEAN phục hồi, đổi mới, năng động và lấy con người làm trung tâm,” các bộ trưởng nhất trí rằng văn kiện này cần bao gồm bốn yếu tố là hội nhập kinh tế khu vực, chuyển đổi và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế bền vững và sự sẵn sàng thay đổi của người dân.

Hội nghị cũng nhất trí giám sát thực thi các vấn đề phát triển bền vững, trong đó có Chiến lược Trung hòa Carbon ở ASEAN. Phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực - sáng kiến được Indonesia đề xuất và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ tất cả các nước thành viên ASEAN - cũng được thảo luận nhằm hỗ trợ các nỗ lực phát triển bền vững.