Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ASEAN khuyến khích các nước thành viên chia sẻ vaccine Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/9 đã diễn ra Cuộc họp trực tuyến lần thứ 7 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE).

Cuộc họp có sự tham dự của Quan chức cao cấp các nước ASEAN thuộc ba trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hoá-Xã hội ASEAN, kênh hợp tác y tế ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp này, cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Cuộc họp tập trung cập nhật tình hình và trao đổi các biện pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid-19 đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020. Triển khai kế hoạch sử dụng 10,5 triệu trong tổng số 20,8 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 mua vaccine cho các nước thành viên, hiện ASEAN đã cơ bản đạt được Thoả thuận mua vaccine với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Theo đó, ASEAN sẽ phân bổ đồng đều khoảng 100.000 – 250.000 liều vaccine cho mỗi nước tuỳ theo chủng loại vaccine, phấn đấu cung cấp lô vaccine đầu tiên trong Quý IV/2021 và tiếp tục triển khai trong Quý I/2022.
 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp này, cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Các nước ASEAN nhất trí cần đẩy nhanh tiến độ sớm đưa Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) vào vận hành trên thực tế, góp phần nâng cao năng lực y tế dự phòng, kiểm soát và ứng phó của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Cùng với những nỗ lực tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), đồng thời nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng các thành quả đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi toàn diện và bền vững. Tính đến tháng 8/2021, 40/185 sáng kiến trong Khung phục hồi tổng thể đã hoàn tất, 134 sáng kiến đã và đang được triển khai, 11 sáng kiến tiếp tục được triển khai trong các năm tới.
Nhằm hỗ trợ cho nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực, các nước nhất trí khuyến nghị các Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua Khung thoả thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), đồng thời tiếp tục trao đổi về khả năng áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng như việc sử dụng giấy chứng nhận điện tử để hiện thực hóa Thỏa thuận này. Tại cuộc họp, đại diện Nhóm công tác ABAC đã đề xuất các khuyến nghị tăng cường hợp tác công-tư trong ứng phó dịch Covid-19, bao gồm việc triển khai ATCAF.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh những tiến triển trong triển khai các sáng kiến ASEAN về ứng phó Covid-19, đề nghị ASEAN cần đẩy nhanh tiến độ mua vaccine cho các nước thành viên, đồng thời khuyến khích các nước xem xét chia sẻ vaccine cho nhau trên cơ sở tự nguyện để hỗ trợ những nước có nhu cầu và khó khăn trong tiếp cận vaccine.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước ASEAN cần tiếp tục đóng góp và vận động thêm các nguồn hỗ trợ cho Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế của ASEAN, trong đó khuyến khích các nguồn tài trợ từ các đối tác và khu vực kinh tế tư nhân. Thứ trưởng cũng cho biết Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các thủ tục nội bộ để công bố danh mục cam kết đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và tích cực phối hợp với các nước ASEAN sớm đưa Trung tâm ACPHEED đi vào hoạt động hiệu quả, bền vững.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Thứ trưởng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục tập trung các nỗ lực vào hai trọng tâm chính là thúc đẩy phục hồi kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với người dân trong khu vực.