Kết thúc Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Thủ đô tại Vientiane (Lào), tuyên bố chung của kỳ họp có nội dung: “Các bộ trưởng tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và sắp tới” trên Biển Đông. Việc tuyên bố chủ quyền chồng chéo và hoạt động leo thang đã gia tăng căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, theo tuyên bố của ASEAN.
Hội nghị AMM Retreat diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc ngày 18/2 thừa nhận đã đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trước đó, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, Bắc Kinh đang đặt hệ thống radar và triển khai tên lửa đất đối không, đồng thời xây dựng thêm đường băng phù hợp với các máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm. Khu vực Biển Đông, vốn là nơi thông thương của lượng hàng hóa lên tới 5000 tỷ USD mỗi năm đã chứng kiến nhiều hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/2 còn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “thật sự” cần những “vũ khí phòng vệ” trên Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa do Mỹ kích ngòi.
Trong thời gian qua, Mỹ đã liên tục chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc như bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông. Washington cũng hơn một lần điều tàu chiến tuần tra tại khu vực trên. Những hành động mang tính khẳng định quyền tự do hàng hải này khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ.
Ngày 26/2, đại diện chính quyền Washington một lần nữa thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngừng quân sự hóa Biển Đông. Cũng với tinh thần đó, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trả lời phóng viên sau Hội nghị AMM Retreat: “Chúng tôi kêu gọi ngừng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông”.
Trong những nội dung bàn thảo, các quốc gia ASEAN cũng nhất trí tổ chức một hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc cùng các nước ASEAN để bàn luận sâu hơn về vấn đề Biển Đông, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia Hor Namhong.