ASEAN tìm giải pháp đảm bảo an ninh Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 47 năm ngày thành lập, tình hình tại Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan diễn ra từ 8 - 10/8 tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) được cho là cơ hội để các nước thành viên của Hiệp hội thảo luận, tìm biện pháp giải quyết những thách thức truyền thống và phi truyền thống; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trên chính trường khu vực và quốc tế.

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 47 năm ngày thành lập, tình hình tại Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan diễn ra từ 8 - 10/8 tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) được cho là cơ hội để các nước thành viên của Hiệp hội thảo luận, tìm biện pháp giải quyết những thách thức truyền thống và phi truyền thống; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trên chính trường khu vực và quốc tế. 
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại ASEAN và trong khu vực, nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao. Hai bên cũng trao đổi về một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân dân sự. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tham gia phát biểu tại các hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ đánh giá của ASEAN với các đối tác về việc cần phải đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc gây căng thẳng gần đây, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự; đề cao các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại Điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
 
 Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại AMM 47.     Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại AMM 47. Ảnh: TTXVN
Rõ ràng, vấn đề Biển Đông làm nóng AMM 47 và các hội nghị liên quan diễn ra trong gần 3 ngày qua cho thấy, chưa bao giờ ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống như hiện nay. Nhưng chính những thách thức đó đã cho thấy, ASEAN ngày càng trưởng thành hơn, đoàn kết hơn và chủ động hơn trong việc đảm bảo lợi ích khối cũng như lợi ích với các đối tác quốc tế, nhằm bảo vệ uy tín của cả cộng đồng ASEAN. Điển hình như lần đầu tiên trong 20 năm, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 (5/2014), các Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về Biển Đông, kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC. Thông cáo chung của AMM 47 được đưa ra hôm 10/8 cũng thể hiện tinh thần đoàn kết này khi "thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.Các Bộ trưởng nhấn mạnh hơn nữa "tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp". ASEAN nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo cũng như tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được COC. 

Ngoài ra, các Bộ trưởng Ngoại giao cũng trông đợi nhiều thảo luận thực chất hơn nữa tại Hội nghị SOM về DOC lần thứ 8 và cuộc họp Nhóm công tác chung về DOC thứ 12 cùng được tổ chức vào tháng 10/2014 tại Bangkok, Thái Lan. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng ghi nhận tài liệu về Kế hoạch Hành động 3 bước (TAP) do Philippines giới thiệu và các đề xuất khác liên quan Điều 5 đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra về vấn đề Biển Đông.
 
Bên lề hội nghị ASEAN và hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Hoàng thân Mohamed Bolkiah, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei; Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị...