Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ASEAN - Trung Quốc hướng tới tương lai sau 30 năm quan hệ đối tác

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua 30 năm quan hệ hữu nghị, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tạo dựng được nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú và thực chất trên các lĩnh vực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra theo hình thức trực tuyến, tháng 10/2021. Ảnh: SCMP 
Sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa ASEAN và Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn trong 3 thập kỷ. Từ quan hệ “đối tác đối thoại” vào năm 1996, đến quan hệ “láng giềng hữu nghị, tin cậy lẫn nhau hướng tới thế kỷ 21” vào năm 1997 và sau đó là “đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và thịnh vượng” vào năm 2003, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã cho thấy những bước phát triển nhảy vọt.

Cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác đã được thiết lập, đặt nền tảng vững chắc cho sự tin cậy lẫn nhau chiến lược của hai bên. 24 Hội nghị Cấp cao Trung Quốc - ASEAN và một số Hội nghị cấp cao đặc biệt đã được tổ chức thành công, định hướng phát triển quan hệ hai nước. Hai bên đã cam kết có thiện chí và tình láng giềng tốt đẹp.

Trong 3 thập kỷ, kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc đã tăng từ dưới 8 tỷ USD lên 684,6 tỷ USD. Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại đầu tiên và lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 516,9 tỷ USD, đánh dấu việc ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Việc triển khai và nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc đã củng cố đáng kể quan hệ kinh tế giữa hai bên, khi 90% hàng hóa có thể được giao dịch với mức thuế bằng 0. Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN, đã được tổ chức thành công trong 18 năm qua, đã trở thành một nền tảng thiết thực để thúc đẩy hợp tác kinh doanh song phương. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế tiểu vùng là một điểm nhấn khác trong hợp tác thương mại ASEAN - Trung Quốc, tiêu biểu như Hợp tác Mekong - Lan Thương.
Cùng với đó, giao lưu nhân dân và văn hóa ASEAN - Trung Quốc cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Trước khi Covid-19 bùng phát, hơn 65 triệu lượt trao đổi cá nhân đã được thực hiện giữa hai bên vào năm 2019, với gần 4.500 chuyến bay giữa Trung Quốc và Đông Nam Á mỗi tuần.
Một gian hàng tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 (CAEXPO 2021) ở Nam Ninh, Trung Quốc, tháng 9/2021. Ảnh: CGTN 
Global Times dẫn nguồn tin riêng cho biết, ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ chính thức nâng cấp quan hệ tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc, diễn ra vào ngày 22/11/2021 theo hình thức trực tuyến, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Nhìn chung, ASEAN và Trung Quốc được tin sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và tạo ra những triển vọng tươi sáng hơn nữa trong tương lai.

Trong một bài xã luận trên tờ Jakarta Post, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân đã chỉ ra 4 ưu tiên trong triển vọng hợp tác giữa hai bên thời gian tới. Thứ nhất là hợp tác đối phó với đại dịch và thúc đẩy kinh tế khu vực, trong đó hợp tác vaccine có ý nghĩa đặc biệt, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy xây dựng các trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, hai bên cần thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới nhằm theo đuổi sự phát triển chung. Trong đó chú trọng đảm bảo thực hiện tốt Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc nâng cấp và thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào năm tới, để hình thành một khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba, ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao nhân dân, tăng cường giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao, phụ nữ và thanh niên, cũng như trao đổi cho các phương tiện truyền thông và các tổ chức tư vấn. Cuối cùng, Đại sứ Đặng Tích Quân nhấn mạnh hai bên cần bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đoàn kết và phối hợp, bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên Hợp quốc.