Tuyên bố này được đưa ra tại cuộc họp các quan chức cấp cao giữa hai bên về việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra từ ngày 15 - 16/8 tại Trung Quốc. Tại hội nghị lần này, hai bên đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận: Thông qua 2 văn kiện về việc xử lý các va chạm ngoài ý muốn và các tình trạng khẩn cấp trong vùng biển tranh chấp; lãnh đạo các bên cũng nhất trí thành lập một đường dây nóng giữa quan chức cấp cao các nước nhằm đáp ứng với các tình huống hàng hải khẩn cấp ở Biển Đông và thống nhất hoàn thành bộ khung COC vào giữa năm 2017. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu, việc thúc đẩy đối thoại với ASEAN nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong nội bộ khu vực. Bắc Kinh cũng hy vọng phần nào xoa dịu được căng thẳng hàng hải trước Hội nghị thượng đỉnh G20 mà nước này sẽ tổ chức vào tháng 9 tới. Kể từ năm 2010, Trung Quốc và ASEAN đã bàn luận để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh những xung đột trên Biển Đông. Nhưng từ trước tới nay, Bắc Kinh đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán về COC và cho rằng tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết theo phương thức song phương. Mốc biến chuyển bất ngờ này bắt đầu từ ngày 25/7, sau cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thông tin với các phóng viên rằng, một bước tiến lớn trong triển khai COC sẽ được thực hiện vào nửa đầu năm sau. Kết quả này được đánh giá là những bước chuyển tích cực đối với việc giải quyết các bất đồng trên biển ở khu vực Biển Đông. Đây là thành quả từ các sách lược ngoại giao kiên trì, khéo léo của các quốc gia ASEAN trong việc tận dụng thành công phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA) hồi tháng trước, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, minh chứng rõ rệt cho việc bất kỳ cường quốc nào cũng không thể đứng ngoài các trật tự quốc tế và “phớt lờ” tiếng nói của các bên có liên quan.