AU – EU: Khó riêng và bế tắc chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao giữa Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU) tại Addis Abeba (Ethiopia) đã không đưa lại kết quả thiết thực thật sự tương xứng với quy mô và tầm vóc của nó.

Từ năm 2007 đến nay, EU và AU thúc đẩy rõ rệt đối thoại chính trị và đã tổ chức nhiều cuộc cấp cao song phương, nhưng chưa lần nào với quy mô lớn như lần này. Hợp tác song phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên và không khó gì để nhận diện những lợi ích chung của họ.
EU và AU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan trọng.
EU và AU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, cả ở lần này cũng như ở những lần trước, kết quả các cuộc cấp cao thường chỉ chung chung chứ không cụ thể, bàn thảo nhiều mà quyết định ít, tuyên bố chính trị lắm mà thiếu vắng chương trình hành động chung hay dự án hợp tác cụ thể, khả thi và hứa hẹn hiệu quả thiết thực. Sẽ không sai khi cho rằng cả hai phía đều bế tắc như nhau trên phương diện này.
Bên nào cũng có cái khó riêng. EU vừa chậm chân vừa không thể cạnh tranh được với một số đối tác khác trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư với các nước châu Phi. EU hiện vẫn như gà mắc tóc bởi hàng loạt vấn đề khó khăn và phức tạp. EU không coi nhẹ AU nhưng hiện thật sự không thể dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho đẩy mạnh quan hệ hợp tác với AU trên tất cả các lĩnh vực khác ngoài chính trị và an ninh. Thậm chí chuyện chống khủng bố, vấn đề tỵ nạn và bảo vệ khí hậu trái đất hiện còn làm cho nhu cầu tăng cường hợp tác với AU trở nên càng cấp thiết hơn đối với EU.

Trong khi đó, AU chưa thoát được ra khỏi tình trạng lực bất tòng tâm trong quan hệ với EU. AU được EU coi trọng nhưng AU vẫn rất thiếu cả thực lực lẫn uy danh để đóng nổi vai trò quyết định nhất trong việc giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra cho cả châu lục lẫn từng quốc gia thành viên. Những cái khó riêng làm cho bế tắc chung thêm trầm trọng.