Australia loay hoay chuyển từ chiến lược "0 Covid" sang "sống chung với lũ"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một nỗ lực tuyệt vọng, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đề cập tới một bộ phim hoạt hình để thuyết phục rằng quốc gia này cần tái mở cửa.

"Giống như bộ phim The Croods vậy," ông Morrison nói khi đề cập đến bộ phim hoạt hình sản xuất năm 2013, về một gia đình thời tiền sử buộc phải rời khỏi nhà. "Mọi người muốn ở lại trong hang ... Nhưng chúng ta không thể làm vậy mãi trong khi có thể thoát khỏi hang một cách an toàn”.
Kể từ đó, cuộc tranh luận về kế hoạch mở cửa toàn quốc trước Giáng sinh đã gây chia rẽ tại đất nước của những con chuột túi. Vấn đề là không phải tất cả người dân Australia đều muốn “rời khỏi hang” một cách nhanh chóng như vậy.
Chia rẽ vì quyết định “sống chung với lũ”
Tại các thành phố lớn nhất phía Đông Australia như Sydney và Melbourne, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đã dẫn đến phong tỏa kéo dài nhiều tháng và các quy định nghiêm ngặt về việc đi lại giữa các tiểu bang.
Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, gia đình bị chia rẽ, tình trạng bất ổn đang diễn ra đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân. Mặt khác, ở những khu vực đã kiểm soát được Covid-19, bao gồm cả các bang Tây Australia và Queensland, số ít nhất trí với việc mở biên giới do lo ngại virus tái xâm nhập và bùng phát.
 Đường phố Australia vắng vẻ do các lệnh phong tỏa hồi đầu tháng 1/2021. Ảnh: CNN
Sau 18 tháng chìm đắm với thành công trong việc ngăn chặn Covid-19, các chính trị gia Australia hiện lại buộc phải chuyển từ chiến lược ''zero Covid'' sang “sống chung với lũ”.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào họ có thể thuyết phục người Australia ủng hộ kế hoạch quốc gia.
Trong một thời gian dài, cùng với nước láng giềng New Zealand, thành công của Australia đã khiến cho phần lớn thế giới và phương Tây phải ghen tị. Khi số trường hợp và ca tử vong do Covid toàn cầu tăng lên, Australia vẫn hầu như miễn nhiễm với Covid-19.
Chính phủ Australia đã đóng cửa biên giới kể từ tháng 3/2020, ngay sau khi đợt bùng phát toàn cầu đầu tiên, kể từ đó quốc gia này không hề đối diện với tình hình khốc liệt. Cho đến tháng 6/2021. Australia đã hứng chịu một đợt bùng phát lớn của biến thể Covid-19 Delta ở New South Wales, nơi TP Sydney là thủ phủ.
Chính quyền địa phương ban đầu đặt ra các hạn chế nhẹ, nhưng tình hình bùng phát phức tạp khiến lệnh phong tỏa buộc phải được đưa ra. Kể từ đó, dịch bệnh đã lan đến Melbourne, thuộc bang Victoria, và sau đó đến thủ đô Canberra.
Tính đến ngày 3/9, hơn một nửa trong tổng dân số 25 triệu người Australia đang bị phong tỏa, bao gồm toàn bộ dân số của 3 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng tăng, số ca nhiễm gia tăng và các cuộc biểu tình bạo động chống phong tỏa, ông Morrison đã tuyên bố bắt đầu chấm dứt chính sách ''0 Covid'' của Australia vào ngày 22/8.
Ông chủ trương để Australia noi gương Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, những khu vực đã bắt đầu chấp nhận sống chung với Covid, sử dụng vaccine để giảm số ca nhập viện. Theo kế hoạch quốc gia, Australia sẽ mở cửa trở lại khi ít nhất 70% số người đủ điều kiện đã được tiêm 2 liều vaccine.
Vẫn còn những sợ hãi
Tuy nhiên, quốc gia này gặp khó khăn trong việc tiêm chủng cho người dân do tình trạng thiếu nguồn cung. Tính đến ngày 3/9, khoảng 37% người trên 16 tuổi ở Australia đã tiêm 2 liều, so với ít nhất 60% ở Mỹ và hơn 78% ở Anh.
 Giới chức Australia đang chuyển từ chiến lược 0 ca Covid sang sống chung với bệnh dịch. Ảnh: CNN
Kế hoạch của Australia dựa trên mô hình Viện Doherty, một cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm đưa ra. Viện này ước tính rằng với việc bao phủ vaccine đầy đủ và các hạn chế vừa phải, Australia có thể mở cửa nếu có chưa đến 100 ca tử vong trong 6 tháng.
Tại phòng khám của mình ở Perth, bác sĩ đa khoa Donough O'Donovan cho biết rất nhiều bệnh nhân của ông - đặc biệt là những người cao tuổi - lo lắng về một đợt bùng phát Covid-19 tiềm ẩn ở Tây Austrlia. "Những người như vậy rất sợ mở cửa”, bác sĩ O'Donovan nói.
Các bang Tây Australia, Nam Australia, Queensland và Tasmania nỗ lực giữ số ca nhiễm Covid-19 gần bằng 0 và do đó, các nhà lãnh đạo địa phương không mặn mà với việc thúc đẩy biên giới mở của ông Morrison.
Thủ hiến Tây Australia Mark McGowan cho biết việc mở cửa trở lại quá sớm để "cố tình nhập virus sẽ là "sự điên rồ hoàn toàn." Trong khi đó, Thủ hiến Queensland Annastacia Palaszczuk thừa nhận rằng Covid-19 yêu cầu mô hình chi tiết hơn về kịch bản mở cửa ảnh hưởng đến số trẻ em chưa được tiêm chủng.
Hiệp hội Y tế Australia (AMA) cảnh báo trong một bức thư gửi Thủ tướng Morrison rằng hệ thống y tế của Australia chưa sẵn sàng cho một đợt bùng phát Covid-19 lớn, bất chấp chiến dịch tiêm chủng đã hoàn tất hay không.
Tính đến mở cửa từng phần?
Chủ nhà hàng ở Melbourne, Luke Stepsys, đã tiêm 2 liều vaccine Covid-19, nhưng khi nhà hết sữa vào tối 31/8, ông không thể đi mua thêm do quá 9 giờ tối ở Melbourne theo lệnh giới nghiêm.
"Tôi đã tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn bị nhốt như một con thú trong lồng", ông Luke nói.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Melbourne đã trải qua hơn 210 ngày phong tỏa cứng - lâu nhất trong số các TP ở Australia. Thời gian dài cách ly với bên ngoài khiến những căng thẳng trong người dân lộ rõ. Ông Stepsys than thở: “Chúng tôi chỉ là một hòn đảo đã dừng các chuyến bay”.
Kể cả khi Australia hoàn tất chương trình tiêm chủng, phương án mở cửa từng phần vẫn được tính đến. Có khả năng một số bang của Australia mở cửa trước, cho phép đi lại du lịch và ra nước ngoài, trong khi một số nơi vẫn tiếp tục phong tỏa.
"Sẽ có tình huống nực cười khi một người ở bang New South Wales có thể đến Canada trước khi họ có thể đến bang Cairns, hoặc ai đó ở bang Victoria có thể đến Singapore hoặc Bali trước khi họ có thể đến bang Perth", Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg nói về kịch bản dỡ phong tỏa từng phần.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần