Giá palladium, than đá và các mặt hàng khác đã tăng vọt kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Đồng thời, các lệnh trừng phạt đối với Moscow khiến châu Âu phải tìm nguồn cung thay thế khoáng sản của Nga.
Các công ty khai thác lớn cho biết, khách hàng đang tiếp cận nguồn cung mới để có thể đảm bảo việc sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, các công ty khai thác thường ký hợp đồng dài hạn, khiến nguồn cung dư thừa trở nên khan hiếm.
Palladium đã đạt mức giá cao kỷ lục vào thứ hai (8/3) trước khi giảm trở lại. Loại kim loại này thường được các nhà sản xuất ô tô sử dụng trong ống xả động cơ để giảm lượng khí thải. Hiện tại, Nga đang chiếm 25-30% nguồn cung palladium trên thế giới.
Sibanye-Stillwater, công ty khai thác bạch kim lớn nhất thế giới cho biết một số khách hàng đã hỏi về khả năng tăng sản lượng kim loại nhóm bạch kim (PGM) của công ty này nhưng họ cảm thấy rất khó để có thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn.
"Việc đẩy nhanh các dự án có thể thực hiện được nhưng đây không phải là một giải pháp khắc phục nhanh chóng và nhìn chung vẫn sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi có lợi nhuận rõ ràng," Sibanye trả lời phỏng vấn Reuters.
Các nhà sản xuất ô tô sẽ thay thế bạch kim cho palladium nếu giá kim loại này vẫn ở mức cao, Giám đốc điều hành của Sibanye Neal Froneman cho biết vào tuần trước.
Theo dự báo của Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới vào 9/3, ngành công nghiệp ô tô sẽ chiếm 42% tổng nhu cầu bạch kim trong năm nay, tăng từ mức 37% vào năm 2021.
Do nguồn cung của Nga không còn đảm bảo, giá bạch kim tăng nhưng không đáng kể vì bạch kim được dự báo sẽ vẫn trong tình trạng dư cung trong năm nay.
Impala Platinum, nhà sản xuất PGM lớn thứ ba thế giới cho biết khả năng lấp khoảng trống do nguồn cung palladium của Nga đối với họ rất hạn chế. Chỉ riêng Norilsk Nickel của Nga đã sản xuất khoảng 38% palladium toàn cầu và 11% bạch kim toàn cầu, Sibanye cho biết.
Trong khi các công ty khai thác đang hưởng lợi từ sự gia tăng giá kim loại, Froneman của Sibanye cảnh báo rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể có tác động tiêu cực đến thị trường tiêu dùng.
Giá cả kim loại tăng cao là một thách thức đối với các nhà sản xuất ô tô bởi họ mong muốn có thể sản xuất xe điện giá cả hợp lý.
Mức độ phụ thuộc vào khí đốt của Nga tại các nước phương Tây lên tới 70%. Hiện tại, châu Âu đang chuyển hướng sang các công ty khai thác ở Úc để tìm nguồn cung nhiên liệu.
Gerhard Ziems, giám đốc tài chính của Coronado, một trong những tập đoàn sản xuất than luyện kim lớn nhất thế giới, cho biết: “Do cuộc xung đột, chúng tôi đang cố gắng đáp ứng các nhu cầu từ châu Âu để đảm bảo nguồn cung than đá”.
Coronado sẽ tăng sản lượng lên khoảng 18-19 triệu tấn vào năm 2022 so với mức 17,4 triệu tấn của năm ngoái. Ziems ước tính Nga xuất khẩu khoảng 45 triệu tấn than đá mỗi năm.
Ông nói: “Trong trường hợp cộng đồng quốc tế từ chối mua than đá của Nga, nguồn cung thiếu hụt cần được lấy từ những nơi khác, bao gồm các thị trường lâu đời như Úc và Mỹ, nơi Coronado hoạt động”.
Các công ty sản xuất độc lập hàng đầu của Australia, Whitehaven Coal và New Hope Group, cho biết họ đã được một số quốc gia liên hệ tìm nguồn cung, bao gồm Ba Lan, một nước vốn phụ thuộc vào than đá của Nga lâu năm. Đồng thời, họ cũng đang tìm cách cung cấp cho thị trường châu Âu.
Người phát ngôn của Whitehaven nói với Reuters: “Chúng tôi có sự kết hợp giữa cung cấp theo hợp đồng và giao ngay cho phép chúng tôi tận dụng các cơ hội chiến thuật trên thị trường”
Tuần trước, Chính phủ Australia cho biết họ sẽ giúp các nước đồng minh phương Tây nhập khẩu than của mình, tìm các nguồn cung thay thế Nga bằng cách kết nối họ với các công ty sản xuất địa phương.
Glyn Lawcock, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khai thác tại Barrenjoey cho biết điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc thực hiện thì không, vì các công ty khai thác ở Úc đã cạn kiệt.
"Không công ty nào có sẵn khối lượng than đá để xuất khẩu. Ukraine/Nga luôn đảm bảo nguồn cung cho thị trường nên không một công ty khai thác nguyên liệu dư thừa," Lawcock nói.
Một dấu hiệu cho thấy thị trường đang thắt chặt là giá than tại Newcastle - cảng than lớn nhất thế giới ở bờ biển phía đông của Australia - đã tăng vọt lên mức kỷ lục 440 USD/tấn vào ngày 2/3, tăng gấp 5 lần so với một năm trước.
Bộ trưởng Tài nguyên Australia Keith Pitt cho biết đây là cơ hội cho các công ty khai thác than đá của Australia. Ông cũng kêu gọi mở rộng phạm vi khai thác mở ở nước này, vì chúng có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt than đá của các nước châu Âu.