Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ba bài thơ Xuân của thi sĩ Lưu Quang Vũ

Kinhtedothi - Năm 2018 này là tròn 30 năm thi sĩ tài năng nhưng đoản mệnh Lưu Quang Vũ rời xa nhân thế. Mùa Xuân đọc thơ xuân Lưu Quang Vũ cũng là một nhã thú văn chương. Lưu Quang Vũ là nhà văn trẻ nhất trong số các nhà văn Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt II, năm 2000) - một hồn thơ của đất Kinh kỳ chính thống.
 Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Cuộc đời Lưu Quang Vũ như một pho tiểu thuyết đầy những biến cố gay cấn và éo le. Tài năng văn chương của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ thơ ca đến kịch, từ truyện đến tiểu luận. Nếu kịch khiến ông nổi như cồn trong thời kì văn học đổi mới, thì thơ lại chính là nơi tỏa sáng tâm hồn cao đẹp của thi sĩ. Ông có thể trở thành tri âm tri kỉ với độc giả bằng thơ, nên mùa Xuân về người ta lại nhớ ông và những bài thơ xuân của ông: “Hai bài thơ xuân” và “Mùa Xuân Mátxcơva”. Ba bài thơ xuân ấy nằm trong cuốn “Lưu Quang Vũ - Di cảo” (NXB Lao động, 2008).
“Hai bài thơ xuân” (I và II) được viết bằng cảm xúc run rẩy, nhưng được tiết chế tối đa vì thế có cái vẻ tự tại, dù lúc viết hai bài thơ này thi sĩ chỉ mới 26 tuổi. 26 tuổi đời nhưng dường như thi sĩ đã sống gấp nhiều lần cái thời gian vật lý đong đếm được 365 ngày mỗi năm.
Người ta gọi đó là sống đón. Những câu thơ ngắn nhưng có sức chứa lớn “Em ơi xuân lại trở về/Cành mận đầu vườn trắng buốt/Lưỡi dao mới trong lò rèn đỏ rực/Hoa lửa hồng quanh chiếc đe xanh/Bàn tay em như gốc cải mềm/Lau sương mù cửa kính”. Cảm xúc về tạo vật thiên nhiên hòa quyện với cảm xúc về cuộc đời cần lao của những con người bình dị, đáng yêu và đáng kính.
Những người thợ thủ công bền bỉ bên lò rèn truyền thống để chế tác ra những công cụ thô sơ nhưng thiết yếu với cuộc sống. Và đặc biệt, hình ảnh cô gái đẹp nhưng chăm chỉ công việc sớm hôm, chăm chút cho tổ ấm của mình. “Bàn tay em như gốc cải mềm”, chỉ có Lưu Quang Vũ mới so sánh và ví von như thế về bàn tay con gái (thường thì bàn tay con gái được ví như búp măng).
Người ta nói nghệ thuật cần sự độc đáo là vậy. Tiếng ca lao động khi mùa Xuân đến đã cất lên ngay từ những dòng đầu của bài thơ Xuân thứ nhất. Nói cách khác, Lưu Quang Vũ say mê ca ngợi mùa Xuân lao động vì lao động tạo nên loài người và các giá trị bền vững của đời sống. Cuộc sống vốn chẳng bao giờ chán nản cũng có nghĩa là con người không bao giờ già cỗi.
Trong thơ, Lưu Quang Vũ luôn chú mục đến tuổi trẻ, sức trẻ, coi đó là động lực, là sức bật của của đời sống xã hội “Bao cực nhọc buồn lo/Chúng ta chẳng cúi đầu già cỗi/Tháng giêng tới, mầm cây non bật dậy/Tiếng hát của mùa Xuân bất phục”. Nói đến mùa Xuân là nói đến Tết, đến giờ khắc giao thừa đáng ghi nhớ của cuộc chuyển giao cũ mới theo quy luật của tạo hóa. Trong bài thơ Xuân thứ hai, nhà thơ cũng như bao nhiêu người khác cảm thấy bồi hồi xúc động khi “Phút giao thừa sắp sang/Phút chuyển tiếp nghiêm trang/Đất trời dường nín lặng”.
Trong giờ khắc quan trọng ấy thi sĩ lại nhớ đến Em, đến bàn tay của Em “Bàn tay nhỏ mến thương/Nối anh vào nắng rộng/Mặt trời đứng yên, làm ra mùa Xuân là trái đất”. Ở bài thơ Xuân thứ nhất, hình ảnh bàn tay em như “gốc cải mềm” biết “lau sương mù cửa kính”, thì nay cũng bàn tay thân thương ấy đã lớn lên bội phần vì biết “nối anh vào nắng rộng”. Như có một dự cảm tương lai tốt đẹp nên thi sĩ đã hào hứng viết “Mùa Xuân này phải bay về phía trước/Như con tàu vẫy gọi ta kia”.

Trong “Di cảo thơ Lưu Quang Vũ” có những bài thơ không trực diện viết về mùa Xuân, nhưng độc giả vẫn tìm ra những câu thơ Xuân như được chắt lọc từ máu huyết: “Chúng ta ra đi chiến tranh mùa Đông” (bài thơ “Những bông hoa không chết” (1971), hàm ý mùa Đông năm 1946 toàn quốc kháng chiến) được láy như một điệp khúc để rồi vỡ òa ngay sau đó: “Ta sẽ trở về. Thành phố mùa Xuân”. Tháng 10 năm 1954 những đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô vào tiết Thu, nhưng có thể coi đó là mùa Xuân chiến thắng.
Thậm chí cả những người đã ngã xuống cũng cùng gọi nhau về đón Xuân: “Những bạn bè đã chết/Cũng sẽ trở về như những bông hoa/Cắt xuân trước, tháng giêng sau lại mọc/Những bông hoa không chết bao giờ”. Ngay cả khi gửi hồn mình vào một mùa Hè ran tiếng ve và nắng nồng nàn trong “Những ngày hè cuối” (1974) thì tâm thế của thi sĩ vẫn đinh ninh dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, rồi cuối cùng vẫn phải đến một ngày tươi sáng, tốt lành “Còn mùa Thu còn mùa Đông/Đến mùa Xuân em sẽ bế trong lòng/Một con người nhỏ xíu”. Phải chăng niềm vui sinh thành là một trong những niềm vui lớn lao nhất của con người trên cõi đời này?

Ai đã từng đến nước Nga, ắt sẽ không quên mùa Thu vàng từng đi vào kiệt tác của danh họa Lê-vin-tan, lại cũng không thể quên mùa Đông nước Nga mênh mang tuyết trắng và càng lưu giữ kỷ niệm về mùa Xuân nước Nga khi băng giá tan dần phát lộ vẻ đẹp rực rỡ của trời đất cỏ cây. Mùa Xuân khi băng tan, sự sống hồi sinh từng giờ từng phút.
Lưu Quang Vũ viết bài thơ “Mùa Xuân Matxcơva”, hẳn cũng là cảm xúc sáng tác sau một chuyến thăm nước Nga. Những câu thơ mở đầu đã gợi rất đúng cái quang cảnh và không khí của tạo vật thiên nhiên nước Nga vào mùa Xuân bừng nở rực rỡ sau mùa Đông băng tuyết “Mátxcơva mùa Xuân/Tiếng băng vỡ trên sông/Những công viên tuyết cuối mùa chưa tan hết/Triệu mầm non đã nhú cành xanh biếc/Chim câu bay quanh vai tượng Putskin”.
Lắng nghe được tiếng băng vỡ trên sông, lắng nghe được tiếng tí tách của những mầm non đang đâm chồi nẩy lộc là cái năng lực kì diệu mà tạo hóa đã ban cho thi sĩ. Tuy không ghi ngày tháng năm sáng tác, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán thi sĩ đến nước Nga vào cái hồi người ta bắt đầu nói đến cải tổ, bằng chứng là “Mátxcơva mùa Xuân này/Có gì giống với những ngày Maiacôpxki ra quảng trường/Đọc những lời thơ bão táp/Giục mọi người tiến lên phía trước/Đả đảo những gì cũ kĩ già nua”. Mátxcơva, trái tim của nước Nga, trong con mắt thi sĩ đó là “Mátxcơva, vầng trán nước Nga/Trong mùa Xuân những hy vọng tuôn trào/Những trăn trở không yên, những kiếm tìm táo bạo”.
Người ta thường nói mùa Xuân là khởi đầu một năm nên nó đồng nghĩa với cái mới. Cái mới của đất trời có sức kích thích, huy động tiềm lực của con người sống tốt hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Ai từng sang châu Âu sẽ thấy có muôn vàn cánh chim bồ câu ríu rít giữa bầu trời mùa Xuân khoáng đạt. Một buổi sớm mai tinh khôi, rất có thể thi sĩ đứng giữa một quảng trường nào đó, bỗng thấy: “Buổi ban mai ào ạt cánh chim bay/Khắp bốn phía mùa Xuân náo động/Chồi non tơ đã xanh kín rừng cây/Đẹp hơn cả đất trời đang tô rạng/Bừng sáng Mátxcơva: Gương mặt những con người”.

Mùa Xuân trong thơ Lưu Quang Vũ đặc trưng bởi những âm thanh “náo động”, đó là một mùa Xuân rộn ràng niềm vui, hy vọng thiêng liêng vào tương lai tươi sáng. Vì nó mà con người sống, cống hiến để có hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình, để mỗi người đều có “một mùa Xuân nho nhỏ” của riêng mình.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện cuộc sống: ngày vui sẽ đến

Câu chuyện cuộc sống: ngày vui sẽ đến

27 Apr, 09:00 AM

Kinhtedothi - Sau giờ làm việc, Việt lựa chọn cho mình một góc sân nhỏ của bệnh viện để nghỉ ngơi. Đêm rằm đầu Hạ, vầng trăng tròn vành vạnh, những cơn gió mát thổi qua khiến Việt tỉnh người, những căng thẳng của một ngày làm việc vì thế cũng dần bị xua tan. Rồi Việt bị thu hút bởi câu chuyện của hai người phụ nữ ngồi gần đó. Họ tranh thủ ăn hộp cơm nguội ngắt và trò chuyện với nhau về gia đình, con cái.

Vấn vương mùa lá sấu bay

Vấn vương mùa lá sấu bay

23 Apr, 12:02 PM

Kinhtedothi - Người ta thường biết và nhớ tới mùa Thu của Hà Nội bởi thảm lá vàng rơi như mùa thay áo mới, nhưng Hà Nội những ngày tháng Tư về cũng mang vẻ đẹp nao lòng bởi thảm lá sấu xào xạc, nhẹ nhàng rơi trong nắng mới đầu Hạ.

Xao xuyến khúc giao mùa

Xao xuyến khúc giao mùa

14 Apr, 02:08 PM

Kinhtedothi - Tháng Tư về, phố Hà thành chợt mơ màng trong hương sắc riêng của khúc giao mùa. Mỗi góc phố, con đường quen gieo vào lòng người chút xao xuyến của thời khắc chuyển giao từ Xuân sang Hạ.

Nhớ nghĩa đồng bào trong mâm cúng trôi chay

Nhớ nghĩa đồng bào trong mâm cúng trôi chay

30 Mar, 05:13 PM

Ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch cũng nhằm vào lúc thời tiết phong quang, tươi sáng, gió xuân vãn thổi hiu hiu, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ấy là lúc chúng ta lại nhớ về ngày giỗ Tổ 10.3. Thế là nhà nhà nô nức xay bột để làm bánh trôi, bánh chay theo tích quốc mẫu Âu Cơ đẻ 100 trứng, nở ra 100 con từ một bào thai.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ